Thứ 6, 19/04/2024 09:49:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:27, 25/02/2015 GMT+7

Những câu hỏi không dễ trả lời!

Thứ 4, 25/02/2015 | 15:27:00 128 lượt xem

BP - Nghe mấy bà trong khu phố rủ rê nên trước tết Ất Mùi, bà N cũng sắm đôi quang gánh ra chợ “hâm lại” mấy món hàng quê. Đó chỉ là vài mớ rau tập tàng, buồng chuối, vài trái đu đủ, chanh ớt, rau thơm... kiếm đồng lời mua cho thằng cháu ngoại bộ quần áo mới. Tội nghiệp, từ ngày bố mẹ chia tay, nó phải về ở với ngoại. Còn nhỏ xíu mà đã phải ăn theo chế độ của người già nên cái cơ thể vốn thiếu sữa mẹ của nó càng thêm còi cọc. Thấy ngoại mang gửi sang nhà hàng xóm với lời hứa: ở nhà chơi ngoan để ngoại đi kiếm tiền mua áo mới, nó toét miệng cười và gật đầu như bổ củi mà thấy thương.

Thật là đông như chợ tết! Bà N phải vất vả lắm mới tranh mua được vài món hàng. Không có chỗ ngồi cố định, bà đành gánh hàng đi từ đầu đến cuối chợ “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại”, nhưng đã quá nửa buổi chợ mà vẫn chưa bán được bao nhiêu. Bỗng ai nấy bưng hàng nháo nhào chạy dạt vào phía trong nhà lồng chợ. Đang lơ ngơ giữa chợ, một chiếc xe ôtô trờ tới và mấy anh dân phòng nhảy xuống xách hai đầu giắng của bà vứt lên thùng xe. Bà cố giằng lại gánh hàng và la lên, sao lại lấy hàng của tôi. Bớ người ta, cướp cướp! Bà vừa la vừa đấm vào tay anh dân phòng đang kéo một đầu giắng. A, bà già này dám chống người thi hành công vụ hả! Anh dân phòng đang cầm dùi cui liền đánh vào tay bà. Tức thì bà la lớn, dân phòng đánh người làng nước ơi! Xe chuyển bánh, bà vẫn cố bíu lấy thùng xe và ngã xuống. Mấy người đi chợ đỡ bà dậy rồi ái ngại bảo sao đội trật tự đến mà bà không tránh vào bên trong để bị bắt hàng, lại còn bị đau nữa! Bà chỉ biết mếu máo đấm ngực kêu trời.

Đã nhiều năm nay, chuyện dẹp chợ và hàng rong cứ như chuyện con gà và quả trứng, chẳng biết cái nào đẻ ra cái nào. Người nghèo tứ phương đổ về chợ mưu sinh, nhưng buôn bán trong chợ phải theo trật tự, buôn có nơi có chỗ. Khổ nỗi nhiều người không đăng ký được chỗ ngồi cố định, hoặc chỉ buôn bán thời vụ nên họ cứ gánh hàng đi lại lộn xộn trong chợ. Khi lực lượng bảo vệ trật tự xuất hiện là họ nháo nhào chạy vào nấp trong khu nhà lồng, đội trật tự đi khỏi thì đâu lại vào đấy. Nhìn cảnh lộn xộn ấy, những người đi mua hàng thường trách móc đội trật tự ăn lương nhà nước mà không làm tròn nhiệm vụ. Bởi khi lập ra lực lượng này, nhà nước đã trao quyền cho họ để làm cho khu vực chợ luôn bảo đảm trật tự, những người bán hàng không đúng nơi quy định phải bị dẹp đi. Nhưng khi chứng kiến cảnh người bán hàng rong van xin dân phòng không được thì giằng co, thậm chí chửi bới, khóc lóc, ăn vạ giữa chợ thì người ta thường đồng cảm với những người yếu thế. Đã từng xảy ra chuyện người bị thu hàng hóa phản ứng quá mức và bị còng tay đưa về trụ sở. Nhìn cảnh ấy, có người đã nói cái còng chỉ nên dành cho tội phạm, không nên lạm dụng nó, nhất là với những người vì mưu sinh mà phải bươn chải ngoài chợ.

Bảo vệ trật tự ở chợ - một công việc không hề đơn giản và không có nhiều người muốn làm. Hành vi đuổi bắt cứ diễn ra suốt nhiều năm qua như thế. Nhưng trật tự khu vực chợ có tốt lên nhờ đuổi bắt và rau quả, cá tôm bị giằng giật, bị xéo nát trong những trận đuổi bắt? Mối quan hệ giữa những người bám chợ để mưu sinh với những người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự ở chợ có trở nên thân thiện và sẻ chia... quả là những câu hỏi không dễ trả lời!           

T.N

  • Từ khóa
94920

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu