Thứ 6, 29/03/2024 22:11:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:29, 08/06/2018 GMT+7

Tản văn

Những câu danh ngôn

Thứ 6, 08/06/2018 | 09:29:00 2,501 lượt xem
BP - Hai đứa con vừa được nghỉ hè, chị cắt phép hai tuần lễ để đưa con về thăm nội ngoại. Khi trở về thì cuốn lịch treo tường không ai bóc, để dày cộp. Chị ngồi tẩn mẩn bóc đủ mười bốn tờ lịch, đọc hết mười bốn câu danh ngôn trên đó, thấy ù cả tai, hoa cả mắt.

Chợt nhớ ngày xưa, khi còn học phổ thông, thế hệ của chị chẳng ai bảo ai, mỗi người tự sắm cho mình một cuốn sổ ghi chép. Ngay trang đầu tiên, cuốn sổ nào cũng trang trọng ghi câu nói bất hủ của nhân vật Vaven Coosaghin trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy”: “Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”. Trang tiếp theo là câu nói cũng rất nổi tiếng của V.I.Lê nin: “Học! Học nữa! Học mãi. Học để chiếm lấy đỉnh cao của khoa học!”. Rồi những trang bên trong cũng toàn ghi những câu nói nổi tiếng của những con người nổi tiếng, cả trong nước và ngoài nước. Nói chung, chị và những người cùng thế hệ chỉ ghi theo phong trào thế thôi, sao chép lại câu chữ của thế hệ trước và vẽ hoa, vẽ bướm vào những lời chỉ bảo của tiền nhân chứ cũng chẳng hiểu cặn kẽ về những câu danh ngôn ấy.

Lớp trẻ bây giờ khác. Họ có quá nhiều điều thú vị để quan tâm. Mà cho dù có thích, họ cũng chẳng phải mất công đi sưu tầm và ghi lại những câu danh ngôn nữa, bởi nó nhan nhản khắp nơi, từ sổ tay đến các loại lịch. Nào lịch để bàn, lịch bloc, lịch tờ, lịch bỏ túi... luôn đầy ắp những câu danh ngôn, phương ngôn, cách ngôn, châm ngôn, hàm ngôn. Bỏ lịch cả nửa tháng trời không bóc là đã bỏ phí biết bao lời dạy dỗ của các bậc hiền nhân. Hơn nữa, việc “bóc lịch” đâu chỉ dành riêng cho những người “chăn kiến”. Những người đàn bà đã đứng ở bên kia dốc của cuộc đời như chị, mười người thì có đến chín đã bắt đầu để ý đến những tờ lịch nối nhau rơi hằng ngày, lặng lẽ và triền miên trước mắt như một sự thách đố với nhan sắc, với sức khỏe. Và đương nhiên là rơi rụng cả những lời dạy dỗ trên những tờ lịch nữa. Đến tờ lịch thứ mười bốn, chị đọc được câu danh ngôn “Khi được sinh ra trên đời, bạn cất tiếng khóc, còn những người xung quanh cười. Hãy sống sao để khi bạn từ giã cõi đời, những người xung quanh khóc. Còn bạn, bạn mỉm cười”. Câu này khuyết danh và hơi dài, nhưng chị lại thích và cứ đọc đi đọc lại mãi.

Thích, không có nghĩa là làm được, sống được như các bậc hiền nhân chỉ bảo. Một đời người, chuyện khóc cười là chuyện dài tập nhiều kỳ và đôi khi rất khó lý giải. Hồi còn nhỏ, chị đã chứng kiến đám tang của một ông giáo làng không có con nhưng rất nhiều xe ôtô đưa tiễn và cũng rất nhiều người đội khăn tang khóc “Thầy ơi!” (ở quê chị, “thầy” cũng là cha, là bố). Chị cũng chứng kiến nhiều người khi còn đương quyền cao chức trọng thì đệ tử, em út đủ đầy, lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của sếp. Nhưng vừa mới nhận quyết định nghỉ hưu là lập tức, đám em út, đệ tử biến đâu mất sạch. Trách ai đây? Trách những kẻ cơ hội bần tiện hay trách người sống mà không biết để dành phúc lộc?!

Chị thích câu danh ngôn ấy chỉ đơn giản vì nó khái quát được ít nhất hai hiện tượng vào hai thời điểm quan trọng nhất của đời người, là sự sinh ra và chết đi. Dù là bậc vĩ nhân hay kẻ bần hàn, ai sinh ra trên đời mà chẳng oa oa cất tiếng khóc. Và khi ta lìa đời, thể nào chẳng có một vài người rơi nước mắt vì ta. Cho dù là người thích sưu tầm danh ngôn hay những người chẳng để ý gì đến chúng thì nhiều câu danh ngôn vẫn cứ là định mệnh đối với mỗi con người, không thể tránh được.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
93642

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu