Thứ 6, 29/03/2024 22:30:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:05, 26/05/2016 GMT+7

Những cảnh báo không bao giờ thừa

Thứ 5, 26/05/2016 | 09:05:00 108 lượt xem

BP - Vậy là một mùa hè nữa đã tới. Bên cạnh niềm vui của đa số học sinh sau một năm học thực sự vất vả, còn là nỗi lo lắng của cha mẹ và toàn xã hội về những cảnh báo không hề thừa: đuối nước, tai nạn thương tích trong thanh thiếu nhi.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước gây tử vong nhiều nhất trong số các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Năm 2012, toàn tỉnh có 15 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, trong đó chủ yếu do đuối nước, năm 2013 giảm còn 7 trường hợp. Năm 2014, trong số 401 trẻ bị tai nạn và tử vong thì 13 trẻ tử vong do đuối nước. Năm 2015, số trẻ tử vong vì đuối nước cũng ở con số trên chục. Mới đây nhất, binhphuoc online đưa tin: Chiều ngày 23-5-2016, tại hồ thủy lợi Nông Trang 3, thuộc xã Đắk Ru, huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh nữ tử vong. Trong đó, có 2 em là học sinh Trường THCS Quang Trung, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Ngày 8-5-2015, sau khi tắm, 4 em: Lý Thị Mai (2000), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (2002) và hai chị em ruột Hoàng Thị Mai (2002), Hoàng Thị Hương (2004) bị trượt chân dẫn đến tử vong ở lòng hồ thủy lợi thuộc thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau (Bù Đăng). Năm 2014, xã Đức Liễu (Bù Đăng) cũng có 3 trẻ bị đuối nước dẫn đến tử vong... Đáng buồn, nhiều vụ trong số đó lại đến từ sự tắc trách, thiếu quan tâm của người lớn cũng như ngành chức năng không chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ.

Thực tế cho thấy, trẻ em Bình Phước, nhất là ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số đang thiếu trầm trọng sân chơi trong những ngày hè. Năm học mới kết thúc được mấy ngày, nhiều em đã phải đi mót hạt điều, củ mì, mủ cao su hoặc phụ việc gia đình. Khá hơn là trẻ em ở thị trấn, thị xã không phải kiếm tiền nhưng lại “đốt” tiền tại những tiệm game online. Đa phần các em phải tự tạo sân chơi, trong đó có việc rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông, suối, dẫn đến những sự việc như “dao cắt lòng” kể trên.

Người viết đồng tình với ý kiến của tác giả Vũ Văn Tuấn trong bài viết “Để tránh đuối nước: Hãy dạy các em bơi” (Báo Bình Phước ra ngày 24-5-2016): “Nếu đổ lỗi cho nhà trường, sẽ là quy chụp. Phụ huynh phải là người đầu tiên và sát sao nhất trong việc dạy kỹ năng cần thiết cho con mình”. Điều đáng nói, trong khi người lớn có thể mua vài két bia, hàng chục lít rượu về uống nhưng mấy trăm ngàn đồng cho con em đi học bơi lại là điều khó. Bên cạnh đó, các lớp dạy kỹ năng bơi ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hiện rất ít, thậm chí không có.

Ngày 27-4-2016, Sở GD-ĐT có công văn yêu cầu phòng GD-ĐT huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trong tỉnh tăng cường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh, đội ngũ nòng cốt từng trường, đoàn thể giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh. Đồng thời, tổ chức các lớp dạy bơi khóa và ngoại khóa. Tùy điều kiện cụ thể, có kế hoạch tham mưu cấp lãnh đạo, địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường; huy động các nguồn lực hợp pháp, tăng cường công tác xã hội hóa để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy, học bơi cho học sinh. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước không chỉ ngành giáo dục làm được mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, trước hết phải từ chính gia đình.

 Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu