Thứ 7, 20/04/2024 06:30:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:31, 30/10/2016 GMT+7

Những cách làm hay xây dựng khu dân cư văn hóa ở Bình Long

Quốc Phong
Chủ nhật, 30/10/2016 | 09:31:00 1,371 lượt xem
BP - “UBMTTQVN thị xã Bình Long đang nhân rộng 2 mô hình “Hũ gạo tình thương” ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương và tổ “An ninh tự quản” ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú. Đây là những việc làm có ý nghĩa trong cộng đồng, minh chứng cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân hưởng ứng bằng nhiều phần việc cụ thể” - ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó chủ tịch UBMTTQVN thị xã Bình Long đánh giá.

10 NĂM ĐONG ĐẦY TÌNH THƯƠNG

Hơn 10 năm nay, ấp Thanh An, xã Thanh Lương duy trì “Hũ gạo tình thương” giúp đỡ hộ nghèo, có hoàn cảnh éo le. Chủ nhân của hũ gạo là ông Nguyễn Vĩnh Thịnh, hiện là Trưởng ban công tác mặt trận ấp Thanh An. Bằng cái tâm trong sáng và lòng nhiệt huyết, đầy trách nhiệm trước cộng đồng, ông Thịnh đã tạo dựng nên “Hũ gạo tình thương”, hễ cần là có người sẵn lòng ủng hộ. Trong đó, hộ bà Trần Thị Hiền, ngụ tổ 9 ở cùng ấp đã đồng hành với “Hũ gạo tình thương” suốt 10 năm qua. Bà Hiền nói: “Quê ở Bến Tre, ngày mới đến Bình Phước lập nghiệp khó khăn lắm, bây giờ làm ăn dư dả, gia đình muốn hỗ trợ người nghèo khó hơn. Vì thế, trong nhà luôn trữ sẵn từ 5-7 bao gạo, lúc cần gia đình tôi sẵn sàng ủng hộ”. Hoàn cảnh chị Trương Thị Luyến, ngụ cùng ấp Thanh An rất khó khăn. Chị bị tật nguyền, chồng bỏ nhà đi nên 4 mẹ con chị chỉ biết dựa vào bố mẹ đã ngoài 80 tuổi. Nhiều năm nay, nhờ “Hũ gạo tình thương” của ông Thịnh cùng sự cưu mang, đùm bọc của người dân trong khu dân cư, gia đình chị Luyến bớt khó khăn hơn.

Ở cùng ấp, hộ bà Thị Ảnh có hoàn cảnh rất éo le. Gia đình có 5 người nhưng mẹ và em gái bà đều tật nguyền. Mọi sinh hoạt, chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào ngày công làm thuê của bà. Hiểu hoàn cảnh của gia đình bà Ảnh, ông Thịnh đã vận động các tổ chức, cá nhân thiện nguyện và người thân xây tặng 1 căn nhà tình thương trị giá hơn 30 triệu đồng. Đồng thời, “Hũ gạo tình thương” cũng đã hỗ trợ gạo ăn hằng tháng, giúp bà Ảnh giảm nỗi lo thiếu ăn. Bà Ảnh cho biết: “Nếu không có “Hũ gạo tình thương” và sự giúp đỡ của cộng đồng, gia đình tôi sẽ rất khốn khó. Có gạo, tôi cũng yên tâm đi làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình”.

Các thành viên Tổ an ninh tự quản ấp Thanh Sơn thường xuyên gặp gỡ để trao đổi, nắm bắt thông tin từ người dânCác thành viên Tổ an ninh tự quản ấp Thanh Sơn thường xuyên gặp gỡ để trao đổi, nắm bắt thông tin từ người dân

Không chỉ vận động các nhà hảo tâm, gia đình ông Thịnh còn tự nguyện đóng góp gạo. Hằng tháng, ông vận động mỗi hội viên chữ thập đỏ trong ấp đóng 1kg gạo. Đến giờ, ông không nhớ rõ, hũ gạo đã hỗ trợ cho bao nhiêu hộ nghèo, thiếu gạo ăn, chỉ biết rằng ông không để bất kỳ hộ nào trong ấp thiếu ăn. “Tôi làm vì cái tâm muốn đóng góp công sức nhỏ bé cùng chính quyền chăm lo cho người nghèo. Bởi tôi từng tham gia quân ngũ, từng gặp hoàn cảnh như họ, nay kinh tế gia đình ổn định nên chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục công việc này” - ông Thịnh chia sẻ.

ĐIỂN HÌNH TỔ AN NINH TỰ QUẢN

Tiếp giáp xã Thanh Phú với xã Thanh Lương, tình hình an ninh trật tự ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú diễn biến phức tạp. Thế nhưng, đó là chuyện của quá khứ, từ khi Tổ an ninh tự quản của ấp ra đời, an ninh trật tự tại địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Vũ Đình Căn, Trưởng ban công tác mặt trận ấp, Tổ trưởng Tổ an ninh tự quản ấp cho biết: Năm 2006, Tổ an ninh tự quản thành lập chỉ có 4 người, đến nay, số người tự nguyện tham gia tăng gấp đôi. Thành viên trong tổ đều rất tâm huyết với công việc, không kể ngày đêm, nắng mưa.

“Trước đây, khi chưa có tổ an ninh tự quản, mỗi lần các hộ dân trong ấp tổ chức văn nghệ, thanh niên các cấp, xã khác đến dự rồi gây sự, xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Mình để xe hay nuôi gà, vịt cũng thường bị mất cắp nhưng nay không còn xảy ra. Nhờ có Tổ an ninh tự quản nên bà con trong ấp rất yên tâm” - bà Đỗ Thị Nhã, người dân trong ấp chia sẻ. Ông Văn Minh Thuấn, công an viên ấp Thanh Sơn cho rằng: “Tổ an ninh tự quản ra đời là cánh tay đắc lực của lực lượng an ninh xã. Ở ấp, khi có dấu hiệu mất an ninh trật tự, chúng tôi thông báo, bất kể ngày hay đêm, lập tức các thành viên trong tổ có mặt ngay để kịp thời ngăn chặn”.

Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay. Nhiều năm nay, Thanh Sơn liên tục được công nhận là ấp văn hóa cấp thị xã, là mô hình điểm đã và đang được nhân rộng trên địa bàn thị xã Bình Long.

Sở dĩ ấp Thanh An xây dựng được “Hũ gạo tình thương” đầy ý nghĩa nhân văn, hay như ấp Thanh Sơn thành lập Tổ an ninh tự quản thiết thực, hiệu quả, trước hết đều xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng khu dân cư. Những người đứng ra duy trì các hoạt động này đều có điểm chung là tâm huyết, hết mình với công việc, đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân. Vì lẽ đó, cho dù địa bàn khu dân cư còn những khó khăn nhất định, nhưng đều có thể linh hoạt giải quyết hiệu quả. Đây chính là bài học mà UBMTTQVN thị xã Bình Long đã đúc kết được để việc triển khai, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu.

  • Từ khóa
1287

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu