Thứ 3, 23/04/2024 17:14:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:27, 27/07/2017 GMT+7

Những bước chân không mỏi - Bài cuối

Thứ 5, 27/07/2017 | 06:27:00 213 lượt xem

>> Bài 1: Ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ

CHUNG TAY XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG BÌNH PHƯỚC

Những năm gần đây, mùa hè tình nguyện không chỉ dừng lại ở phong trào thăm, tặng quà, phát quang đường nông thôn... mà đã đặt mục tiêu cao hơn là xây dựng quê hương, đất nước bằng những công trình, phần việc có giá trị lâu dài. Những công trình, phần việc của sinh viên tình nguyện đã tiếp thêm sức mạnh, nhân rộng tính xung kích trong thanh niên địa bàn và lan tỏa niềm tin yêu đời sống của mọi người dân.

“Mùa hè xanh năm 2017, sinh viên tình nguyện Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiều công trình trọng điểm như xây dựng nhà tình thương, tình bạn; phối hợp sơn sửa các nhà văn hóa, trường học; làm đường giao thông nông thôn; xây cầu bê tông; lắp hệ thống đèn chiếu sáng tại các tuyến đường huyết mạch ở một số xã... Chúng em nỗ lực nhằm góp phần chung tay xây dựng nông thôn ở các miền quê” - Trần Nhật Hoàng, Trưởng ban chỉ huy mặt trận tình nguyện Bình Phước cho biết.

NGÔI NHÀ MƠ ƯỚC

Tại mặt trận huyện Hớn Quản, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh mang đến dự án “Để ngôi nhà không còn là mơ ước” nhằm chia sẻ yêu thương tới những gia đình khó khăn về nhà ở. Trần Nhật Hoàng cho biết thêm: “Ở Bình Phước, năm 2016 chúng em đã thực hiện 3 căn nhà tình thương, tình bạn với tổng trị giá 100 triệu đồng. Mùa hè năm nay tiếp tục xây dựng 3 căn nhà tình thương, tình bạn với tổng trị giá 30 triệu đồng/căn. Chúng em muốn chia sẻ một phần khó khăn với đồng bào nghèo của tỉnh Bình Phước”.

Sinh viên tình nguyện cùng thanh niên địa bàn sửa đường vào sóc Xoài, xã Tân Hưng (Hớn Quản)

Ngôi nhà tạm lợp tôn lọt thỏm giữa vườn điều già đang xuống cấp nghiêm trọng nên những lúc mưa gió lớn gia đình anh Nguyễn Linh (45 tuổi) ấp Chà Là, xã Thanh Bình (Hớn Quản) phải tìm chỗ trú. Kiếm sống bằng nghề cạo mủ cao su thuê, thu nhập thấp, anh Linh lại ốm đau thường xuyên, đời sống gia đình ngày càng khốn khó. Con trai đầu của anh phải gửi bên ngoại. Ngôi nhà xuống cấp trầm trọng anh vẫn chưa có tiền sửa, cơi nới. Do đó, sau khi khảo sát, ngày 13-7, ngôi nhà tình thương thuộc dự án “Để ngôi nhà không còn là mơ ước” được khởi công xây dựng trước niềm vui của gia đình anh Linh và người dân trong ấp.

Nhiều năm nay, anh Võ Văn Bình (30 tuổi), Bí thư Chi đoàn ấp Hưng Lập A, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản vẫn ước mơ có một ngôi nhà vững chắc. Từ ngày ba mẹ mất, anh Bình sống với chị gái. Trong căn nhà gỗ đã xuống cấp với 5 cháu nhỏ (con chị gái - PV) đang tuổi ăn học, anh luôn đau đáu giấc mơ về một ngôi nhà khang trang. Và niềm vui đã đến khi trong tháng 7, đoàn sinh viên tình nguyện Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã về khảo sát, hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng “Ngôi nhà tình bạn” tặng anh Bình.

NHỮNG CÔNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI

Trong danh mục những công trình thanh niên trọng điểm góp sức xây dựng nông thôn mới, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã lựa chọn làm đèn đường thắp sáng nông thôn ở các xã Tân Khai, Phước An, Thanh Bình, Tân Lợi và Thanh An. Ngày 11-7, đội hình tình nguyện tại xã Tân Lợi ra quân làm hệ thống đèn đường chiếu sáng tại tổ 14, ấp Quản Lợi A. Thế nhưng, đêm trước ngày thi công trời mưa to và kéo dài khiến nền đất ẩm ướt, những hố được đào sẵn để dựng trụ điện đầy ắp nước. Để đẩy nhanh tiến độ công trình, các bạn sinh viên chia thành từng tốp múc nước ra khỏi hố, trộn vữa, dọn vệ sinh...

Hành trình tình nguyện của sinh viên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã qua nửa chặng đường và hỗ trợ địa phương nhiều công trình ý nghĩa thiết thực. Theo thống kê, từ ngày 30-6 đến nay, sinh viên tình nguyện đã hoàn thành 7 công trình thắp sáng đường quê với tổng trị giá hơn 80 triệu đồng; xây cầu thanh niên tại xã Tân Hiệp trị giá 161 triệu đồng; sơn sửa nhiều nhà văn hóa, trường học, trạm y tế; ra quân 45 lần vệ sinh môi trường, phát quang trên 8km đường, nạo vét 2.917m kênh mương. Ngoài ra, các đội hình tình nguyện đã tổ chức ôn tập 152 lớp học hè; 298 buổi sinh hoạt thiếu nhi...

Nguyễn Lê Chí Thành, sinh viên năm 2, ngành Quản trị, Đội trưởng đội hình thường trực xã Tân Lợi cho biết: “Sau khi thống nhất với lãnh đạo xã, chúng em tự thiết kế, thi công tuyến đèn đường dài 360m với 18 trụ đèn. Đồng thời, chúng em trồng thêm cây xanh hai bên với tổng kinh phí toàn tuyến hơn 11 triệu đồng”.

Trong khi đó, tại mặt trận xã Tân Hưng giữa trời nắng chang chang của miền Đông, các đội hình tình nguyện vẫn miệt mài san đất làm đường ở sóc Xoài. Anh Nguyễn Hoàng Nhân Thanh, Bí thư Đoàn xã Tân Hưng chia sẻ: Nhiều năm nay, con đường chính dài hơn 1,5km đi vào sóc Xoài mùa khô bụi mù, mùa mưa trơn trượt. Nay được sinh viên về làm đường sỏi phún chúng tôi rất vui mừng. Đây là đợt đầu tiên chúng tôi đón sinh viên tình nguyện Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, các bạn rất tích cực, làm nhiều công trình tạo ra “luồng gió mới” cho công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi ở xã.

Trong hành trình tình nguyện xây dựng nông thôn mới, sinh viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh còn xây cầu bê tông nông thôn ở xã Tân Hiệp trị giá 161 triệu đồng; làm sân bóng chuyền, sân chơi cho thiếu nhi; sơn sửa nhà văn hóa, trường học...

Cẩm Liên

  • Từ khóa
81941

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu