Thứ 7, 20/04/2024 09:11:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:34, 04/03/2015 GMT+7

Điều tra qua đơn thư bạn đọc:

Những bất thường trong một vụ tranh chấp

Thứ 4, 04/03/2015 | 09:34:00 209 lượt xem
BP - Đã 5 năm nay bà Trần Thị Ánh Nguyệt mang hồ sơ đi gõ cửa khắp nơi để khiếu nại về đất của gia đình bị lấn chiếm, nhưng vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. Thửa đất của bà được cấp sổ đỏ năm 1999, đến năm 2005 bị ông Nguyễn Văn Hạ lấn chiếm. Đặc biệt, phần đất lấn chiếm đó cũng đã được cấp sổ đỏ cho ông Hạ, đến năm 2010 thì ông Hạ sang lại cho bà Lê Thị Minh Nguyệt.


Những gốc xà cừ lớn trước kia bà Trần Thị Ánh Nguyệt trồng vẫn còn sót lại trong vườn điều của bà Lê Thị Minh Nguyệt (sang nhượng lại từ ông Nguyễn Văn Hạ)

Tin bạn, mất đất!

Năm 1995, bà Trần Thị Ánh Nguyệt (1954) ở tổ 6, khu phố Hưng Thịnh, phường Hưng Chiến (Bình Long) sang lại 8 ha đất của ông Vũ Văn Cường (1955) tại ấp Trung Sơn, xã Thanh An, huyện Bình Long (nay là ấp Trung Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản).

Đến 16-12-1999, Phòng Địa chính huyện Bình Long đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà (số O 835414 do bà Trần Thị Ánh Nguyệt làm chủ sở hữu với tổng diện tích 42.176m2, sổ đỏ số O 0835670 do ông Nguyễn Trí Quang (con trai bà Nguyệt) đứng tên, với diện tích 15.100m2). Khi phát hiện ra sự chênh lệch về diện tích thực tế với GCNQSDĐ, bà Nguyệt chất vấn lãnh đạo phòng địa chính huyện thì được trả lời: “Do trừ hành lang lộ giới suối và hành lang lộ giới đường. Tin cán bộ địa chính huyện nên tôi không có thắc mắc gì thêm, và tứ cận trong sơ đồ đất vẫn đúng như giấy mua bán viết tay tôi đang giữ. Mặt khác tôi có giấy tờ hợp pháp nên hoàn toàn yên tâm” - bà Nguyệt cho biết.

Do điều kiện nhà xa, bận đi làm (bà Nguyệt là giáo viên) nên bà Nguyệt trồng cây xà cừ và ít khi vào thăm rẫy. Năm 1997, khi vào thăm thì thấy đất bị ông Nguyễn Văn Hạ ở xã Thanh An xâm lấn trồng điều.

Bà Trần Thị Ánh Nguyệt cho biết: “Là chỗ bạn bè quen biết với chồng tôi nên tôi có trao đổi với ông Hạ (là một cán bộ của thị xã Bình Long). Năm 2007, 2008, 2009, lần nào gặp ông cũng hứa khi nào lấy được sổ đất đang thế chấp ở Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn về sẽ trả phần đất đã lấn chiếm cho tôi. Nhưng trên thực tế, ông Hạ đã bán đất cho bà Lê Thị Minh Nguyệt từ năm 2007. Vì đất có tranh chấp nên không được làm thủ tục sang tên đổi chủ nên ông Hạ đã giao GCNQSDĐ của mình cho bà Lê Thị Minh Nguyệt.

Những câu hỏi chưa có lời giải

Bức xúc trước thái độ và hành vi của ông Hạ, bà Ánh Nguyệt đã làm đơn khiếu nại đến UBND xã Thanh An. Địa phương hòa giải không thành, bà Ánh Nguyệt gõ cửa UBND huyện Hớn Quản. UBND huyện Hớn Quản hướng dẫn bà Ánh Nguyệt đưa vụ việc đến TAND huyện Hớn Quản theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành. Cuối năm 2013, bà Ánh Nguyệt gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện thì tòa xét thấy phải chờ ý kiến trả lời của UBND huyện. Vòng vo mãi thì đến 12-8-2014, Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự này với lý do “thời hạn giải quyết đã hết”!

Ông Hạ không thực hiện lời hứa trả lại phần diện tích đã lấn chiếm cho bà Trần Thị Ánh Nguyệt mà tìm cách sang nhượng cho bà Lê Thị Minh Nguyệt ở địa chỉ 356C, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, TP. Hồ Chí Minh và bà Nguyễn Thị Liên ở ấp Trung Sơn, xã Thanh An. Đến năm 2010, không rõ bằng cách nào mà bà Minh Nguyệt và bà Liên làm được giấy CNQSDĐ. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt cho biết: “Theo hồ sơ sổ đất của ông Hạ thì phía bắc giáp với đất của tôi. Khi thực hiện sang nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nguyệt và bà Liên, ông Hạ không nhờ tôi ký tên giáp ranh nhưng vẫn làm thủ tục sang nhượng được sổ đỏ cho bà Lê Thị Minh Nguyệt”.

Bà Nguyễn Thị Liên (chủ sử dụng thửa đất do bà Lê Thị Minh Nguyệt đứng tên) cho biết: Tôi mua đất của ông Hạ từ năm 2007, diện tích 65.732m2 với giá 300 triệu đồng. Khi làm hợp đồng sang tên, được UBND huyện Hớn Quản cấp GCNQSDĐ số CH 000232 ngày 23-12-2010, chuyển nhượng toàn bộ diện tích 65.732m2 tại thửa số 113 tờ bản đồ 32. Khi mua đất, tôi đưa trước số tiền 200 triệu đồng, 3 ngày sau vợ chồng ông Hạ viết giấy tay bán đất khoảng 5 ha. Thấy có sự khác thường nên tôi hỏi vì sao trong sổ hơn 6,5 ha mà chỉ ghi bán khoảng 5 ha? Vợ chồng ông Hạ trả lời là ghi giấy tay không quan trọng, chủ yếu là theo sổ đỏ.

Theo hợp đồng đo vẽ lập bản đồ địa chính số 22/HĐ-VPĐKQSDĐ do Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Hớn Quản đo và cung cấp số liệu thì tổng diện tích đất mà bà Trần Thị Ánh Nguyệt và ông Nguyễn Trí Quang bị lấn chiếm là 30.036,5m2.

Hiện nay, sổ đỏ của bà Lê Thị Minh Nguyệt - đứng tên thay cho bà Nguyễn Thị Liên (nhận sang nhượng từ ông Nguyễn Văn Hạ) cấp ngày 23-12-2010 đang nằm chồng chéo lên sổ của bà Trần Thị Ánh Nguyệt và ông Nguyễn Trí Quang được cấp từ 16-12-1999. Điều nghịch lý là cả 3 chủ sở hữu đều có sổ đỏ, được cơ quan địa chính đo đạc và cấp GCNQSDĐ!

Từ vụ việc của bà Trần Thị Ánh Nguyệt đặt ra ba vấn đề: Tại sao đất đang bị tranh chấp vẫn cấp được GCNQSDĐ? Thứ hai, việc thực hiện hợp đồng sang nhượng đất và sổ đất vẫn thành công khi không cần người ký giáp ranh? Thứ ba là vì sao ông Hạ lại có sổ đỏ và canh tác trên đất trong khi bà Ánh Nguyệt đã có sổ trước ông Hạ? Để làm rõ vấn đề này rất cần sự vào cuộc của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng tài nguyên - môi trường, Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản để có câu trả lời thỏa đáng cho hộ bà Trần Thị Ánh Nguyệt và dư luận.

Ngọc Bích

 

  • Từ khóa
94922

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu