Thứ 6, 19/04/2024 02:18:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 17:12, 23/04/2017 GMT+7

Những bất cập về quy định lãi suất trong Bộ luật Dân sự

Chủ nhật, 23/04/2017 | 17:12:00 374 lượt xem

BPO - Bộ luật Dân sự hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Mặc dù đã hơn 3 tháng trôi qua kề từ ngày bộ luật này được áp dụng vào cuộc sống, nhưng những quy định về lãi suất cho vay vẫn đang còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia về pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật. Thậm chí đã có không ít người đưa ra câu hỏi rằng: Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì liệu rằng mức lãi suất có tăng theo hay không theo quy định mới ? Và câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời thòa đáng.

Trong Bộ luật dân sự 2005, Điều 476 về lãi suất có quy định như sau: Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Như vậy, theo quy định trên thì mức lãi suất cho vay có trần là 150% và lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay. Có thể nói đây là quy định mang tính động, tùy thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông thường thì mức lãi suất cơ bản thường dưới 10%, cho nên mức lãi suất trần tối đa thường chưa tới 15%. Và vấn đề đặt ra ở đây là trong trường hợp nào đó, mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng lên đến 15 hoặc 20% thì lúc này mức trần lãi suất cho vay theo hợp đồng dân sự sẽ lên đến 22,5 đến 30%.

Trong khi đó, mức lãi suất cho vay theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì lại mang tính tĩnh, nghĩa là chỉ áp đặt mức lãi suất trần cố định 20%, mức lãi suất này sẽ không dao động tăng, giảm hay phụ thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước nữa. Cụ thể, tại Điều 468 quy định về lãi suất, có nội dung như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ.

Theo quy định trên, vấn đề được đặt ra ở đây là đối với những trường hợp nào thì sẽ áp dụng quy định lãi suất tại Bộ luật dân sự 2015? Và những trường hợp nào thì áp dụng luật khác có liên quan quy định khác ? Mà luật có liên quan trong lĩnh vực này hiện nay chỉ có Luật các tổ chức tín dụng. Luật này đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16-6-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Tuy nhiên, trong Luật các tổ chức tín dụng lại có quy định khác so với Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể là tại Điều 91 về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Vậy cũng từ nội dung trên, có thêm vấn đề nữa được đặt ra thực tế cuộc sống hiện nay, đó là lãi suất vay tại các ngân hàng hoặc các công ty tài chính có phải áp dụng theo Bộ luật dân sự 2015 không hay áp dụng trường hợp luật khác có liên quan quy định khác ? Và nếu cả hai trường hợp trên đều không áp dụng được, thì cơ sở nào để áp dụng mức lãi suất này? Việc quy định lãi suất như thế này liệu có đảm bảo quyền lợi cho người đi vay không? Rất mong các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Ngân hàng Nhà nước ở chi nhánh các tỉnh, thành phố sớm có văn bản giải thích, hướng dẫn, để quy định trên đây của luật Dân sự sớm đi vào cuộc sống.

NV

  • Từ khóa
29556

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu