Thứ 6, 19/04/2024 20:41:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:09, 23/08/2014 GMT+7

Những bất cập trong xây dựng hạ tầng ở xã Đường 10

Thứ 7, 23/08/2014 | 08:09:00 309 lượt xem
BP - Năm 2009, xã Đường 10 được tách ra từ 2 xã Bom Bo và Đắk Nhau (Bù Đăng). Đã hơn 5 năm nhưng đến nay xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như thiếu trầm trọng nhà văn hóa (NVH), trong khi chợ lại thừa.

Có đất nhưng thiếu tiền xây NVH

Chị Đàm Thị Bay, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đường 10 cho biết: “Trước đây, 3/6 thôn trong xã có NVH. Nay NVH thôn 1 dùng làm trụ sở UBND xã, NVH thôn 2 xuống cấp trầm trọng, còn NVH thôn 5 trở thành trường học. Vì vậy, mỗi lần hội họp hay tổ chức các sự kiện, ban điều hành thôn đều phải đi mượn nhà dân”.

Hiện cả xã chỉ thôn 2 có nhà văn hóa nhưng đã xuống cấp không sử dụng được

 
Ông Nguyễn Duy Diễn (60 tuổi), Trưởng thôn 2 cho biết: “Dân đóng góp được 48 triệu đồng để mua đất, Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng xây NVH nhưng mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi vận động người dân đóng góp để sửa một số hạng mục nhưng không được bao nhiêu. Bây giờ, mỗi lần họp hay có việc gì là phải ngồi ngoài trời, ghế phải thuê các dịch vụ cưới hỏi, vừa mất công vừa tốn kém”.

Ở các thôn 3 và 4 đã có sự đóng góp của dân nhưng không có kinh phí để xây NVH. Anh Hà Lưu Huyến, Trưởng thôn 4 cho biết: “Trong thôn mỗi lần họp hay sinh hoạt văn hóa - văn nghệ đều phải đi mượn NVH của xã Đắk Nhau. Năm 2011, chúng tôi vận động mỗi hộ đóng góp 300 ngàn đồng mua đất xây NVH. Chính quyền thôn nhiều lần làm đơn gửi lên cấp trên xin kinh phí xây dựng nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

Có chợ, dân vẫn buôn bán lề đường

Những gian hàng tươi sống, hàng khô, rau củ tụ tập bán trước UBND xã làm cho bộ mặt của xã Đường 10 trở nên nhếch nhác và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Trước đây, xã Đường 10 đã đầu tư xây chợ trên nền chợ cũ của xã Đắk Nhau. Nhưng đến nay khu chợ vẫn không có người buôn bán, do nằm ở vị trí không thuận lợi, thiếu cơ sở hạ tầng.

 Chị Nông Thị Lũy, Phó chủ tịch UBND xã Đường 10 cho biết: Xã đã kiên trì vận động để các tiểu thương vào buôn bán trong chợ và đã kéo điện vào khu vực nhà lồng, phân lô cho tiểu thương không thu tiền. Thế nhưng chợ vẫn vắng vì người dân có thói quen mua bán ở chợ Bom Bo hay Đắk Nhau.

Chị Trần Thị Thương bán thịt tại ngã ba thôn 1 đã hơn 6 năm cho biết: Chỗ này tôi thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Khi xây dựng chợ chúng tôi rất phấn khởi vì muốn có chỗ buôn bán ổn định. Chợ xây xong, tôi chuyển đến buôn bán nhưng cả ngày không ai đến mua. Người dân không vào chợ mà chỉ tạt ngang mua ở ven đường nên việc kinh doanh trong chợ rất ế. 

Hiện có khoảng 8 tiểu thương kinh doanh ngoài vỉa hè. Đa số các tiểu thương này đều đăng ký kinh doanh tại chợ nhưng vì buôn bán ế ẩm nên họ chuyển ra lề đường để kinh doanh. Cũng theo các tiểu thương, với 8 hộ buôn bán nếu có vào thì cũng không thể lập chợ. Trong khi đó cơ sở vật chất còn sơ sài, hiện chợ chỉ có duy nhất một ngôi nhà lồng trống hoác. Hệ thống nước sạch chưa có, nhà để xe, nhà vệ sinh, bãi rác chưa được xây dựng... Cách trung tâm UBND xã chưa đầy 2km cũng có một chợ đang bỏ hoang. Chợ này cách mặt đường khoảng 100m, nằm lọt thỏm giữa các nhà dân và không có đường đi.

Ông Đặng Bá Anh, Chủ tịch UBND xã Đường 10 cho biết: Trước tình trạng người dân buôn bán ngoài vỉa hè gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, UBND xã nhiều lần vận động các tiểu thương vào chợ buôn bán, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Trước mắt, xã tiếp tục vận động, còn lâu dài nếu không hiệu quả sẽ xin ý kiến của UBND huyện dùng biện pháp cưỡng chế.                                                   

 T.Thông

  • Từ khóa
41264

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu