Thứ 7, 20/04/2024 05:13:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:26, 17/03/2015 GMT+7

Những bất cập trong Pháp lệnh Dân số

Thứ 3, 17/03/2015 | 14:26:00 254 lượt xem
BP - Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 9-1-2003. PLDS ra đời đã khắc phục được tình trạng tản mạn, phân tán việc điều chỉnh dân số ở nhiều văn bản trước đó. Tuy nhiên, dân số nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn; từ mức chết cao sang mức chết thấp; từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn dân số già;... Do đó, PLDS đã bộc lộ một số hạn chế cần sớm được sửa đổi, bổ sung và nâng thành luật.

Bất cập thứ nhất là khái niệm về “Mức sinh thay thế”. Tại Khoản 12, Điều 3 có quy định như sau: Mức sinh thay thế là mức sinh tính bình quân trong toàn xã hội thì mỗi cặp vợ chồng có hai con. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì khái niệm này không chính xác so với cách dùng hiện nay, cần phải sửa đổi.

Thứ hai là hiện nay, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em của Chính phủ đã được giải thể. Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 ngày 31-7-2007 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ, ngày 8-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg về việc giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các Bộ có liên quan thực hiện. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 34 lại có quy định như sau: Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dân số. Vì vậy, quy định như trên là không còn phù hợp và cần sớm được sửa đổi.

Thứ ba là về những hành vi bị nghiêm cấm, tại Khoản 2, Điều 7 của PLDS có quy định như sau: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”; va tại Khoản 6, Điều 7 có quy định: “Nhân bản vô tính người”. Tuy nhiên, tại Điều 3 của pháp lệnh này là phần giải thích các từ ngữ nhưng lại không đưa ra khái niệm thế nào là “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” và thế nào là “Nhân bản vô tính người”.

Thứ tư là một số quy định trong pháp lệnh này còn quá chung chung, không rõ ràng nên rất khó thực hiện và thậm chí là không thực hiện thì cũng chẳng sao. Cụ thể là  quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 4 của pháp lệnh có nội dung như sau: Thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình. Và vấn đề đặt ra ở đây là như thế nào mới phù hợp và phù hợp với điều gì - khoa học, phong tục tập quán, hay với pháp luật ? Vì ở các vùng miền núi hiện còn khá nhiều nơi người dân cho phép con cháu lấy nhau từ thuở 14- 15 tuổi. Đồng bào ở đây giải thích rằng điều này là phù hợp với tập quán của họ, còn có phù hợp với luật hoặc khoa học hay không, họ không cần biết...

Thứ năm, tại Khoản 1, Điều 13 có quy định như sau: Nhà nước điều chỉnh cơ cấu dân số nhằm bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý về giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, ngành nghề và các đặc trưng khác; bảo vệ và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc quy định: Nhà nước điều chỉnh cơ cấu dân số nhằm bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý về giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, ngành nghề và các đặc trưng khác... là không rõ ràng nên rất khó điều chỉnh. Bởi quy định này không rõ “hợp lý” và “các đặc trưng khác” là những đặc trưng gì ? Quy định như vậy rất dễ khiến suy diễn sai lệch.

Thứ sáu là trong Điều 17 của pháp lệnh này có quy định: Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích phát triển toàn diện nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng để hạn chế động lực di dân ra đô thị. Quy định như trên là trái quy luật thực tế không chỉ ở Việt Nam hiện nay mà cả trên thế giới là khoảng cách giữa thành thị - nông thôn ngày càng rộng ra, rất khó “thu hẹp”.

Từ những phân tích trên, tôi đề nghị Pháp lệnh Dân số sớm được sửa đổi, bổ sung, ít nhất là đối với những bất cập nêu trên.

D.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu