Thứ 6, 19/04/2024 10:35:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 13:22, 27/07/2016 GMT+7

Những bất cập trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP

Thứ 4, 27/07/2016 | 13:22:00 8,019 lượt xem
BP - Ngày 26-5-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-8-2016 và thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Như vậy, khi bài báo này đến tay bạn đọc thì chỉ còn chưa đầy 1 tuần là đến ngày nghị định này có hiệu lực, nhưng một số quy định trong nghị định đã nảy sinh bất cập và khó có thể áp dụng vào cuộc sống.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên quốc lộ 14, đoạn nội ô thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.HCảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên quốc lộ 14, đoạn nội ô thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H

Bất cập thứ nhất là trong 1 số trường hợp đèn đỏ nhưng người đi bộ, người điều khiển xe môtô, xe máy được phép đi. Tuy nhiên, nếu những người này vẫn dừng lại thì có bị phạt không? Theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ hiện hành, thì khi tham gia giao thông mà gặp đèn đỏ thì phải dừng lại, không được đi. Nhưng trong một số trường hợp sau đây thì người điều khiển xe máy, người đi bộ vẫn được phép rẽ phải khi đèn đỏ:

Thứ nhất, dựa vào hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện. Tức là khi có đèn đỏ nhưng người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mà không phải tuân thủ đèn tín hiệu giao thông. Lúc này, tất cả phương tiện chạy theo hướng người điều khiển giao thông chỉ định. Thứ hai, dựa vào đèn tín hiệu giao thông. Trường hợp này, đèn tín hiệu giao thông là đèn phụ có hình mũi tên xanh (đỏ). Nếu khi đèn tín hiệu giao thông có mũi tên chuyển xanh thì người điều khiển xe hai bánh sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi. Ngược lại, khi đèn tín hiệu giao thông mũi tên chuyển đỏ thì người điều khiển phải cho xe dừng lại, không được đi theo hướng mũi tên. Thứ ba, dựa vào biển báo giao thông. Trong trường hợp này, các phương tiện xe máy sẽ được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu thấy biển báo giao thông cho phép rẽ phải, thì người điều khiển phương tiện bật đèn xin đường (xi-nhan) và phải nhường đường cho người đi bộ. Thứ tư là dựa vào vạch kẻ đường.

Trong trường hợp không có biển cũng như đèn giao thông thì người điều khiển phương tiện phải tuân thủ theo vạch kẻ đường là vạch mắt võng. Khi đi trên vạch mắt võng này bắt buộc phải rẽ, không được dừng, đỗ hay đi thẳng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong những trường hợp cho phép người điều khiển phương tiện được phép đi thẳng hoặc rẽ trái hay rẽ phải nhưng người đó không thực hiện, mà dừng lại thì có bị xử phạt hay không? Bởi một khi đã là cho phép thì người điều khiển phương tiện được quyền thực hiện hoặc không thực hiện, vậy nếu họ dừng lại thì có bị phạt không? Hơn nữa, trong tất cả điều, khoản, điểm của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành không hề có quy định nào về việc xử phạt cái “quyền” này của người tham gia giao thông.

Bất cập thứ hai là quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 5 như sau: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều,... Nhưng nếu hôm đó mới 17 giờ trời đã tối đen và người điều khiển xe ôtô không bật đèn xe dẫn đến sự cố thì có bị phạt không? Nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định không phù hợp với thực tế. Vì khí hậu ở nước ta mỗi vùng, miền và mỗi mùa có sự chênh lệch nhau khá xa. Ai cũng biết, ở miền Bắc vào mùa đông thường có sương mù, nếu cứ chờ đến 19 giờ mới bật đèn xe, hay 6 hoặc 7 giờ sáng mà trời vẫn mù đặc tắt đèn xe thì quả là nguy hiểm. Chưa hết, đối với những vùng vào mùa hè, mới 5 giờ trời đã sáng mà người điều khiển xe ôtô vẫn còn bật đèn xe và gây ra sự cố thì xử lý thế nào thì trong nghị định cũng không quy định rõ.

Bất cập thứ ba là ở Điểm l, Khoản 3, Điều 5, với quy định như sau: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này không rõ ràng, thiếu cụ thể nên rất khó thực thi. Trong thực tế ai cũng biết, việc dùng tay để nghe hay nói chuyện điện thoại trong khi đang điều khiển xe ôtô là rất nguy hiểm. Và đã có không ít vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng từ hành vi này. Do đó, việc có chế tài xử phạt đối với hành vi này là đúng. Tuy nhiên, nếu quy định như trên là không ổn, còn để lọt hành vi vi phạm. Cụ thể là đối với những người dùng tay bấm điện thoại rồi nghe và nói chuyện bằng tai nghe và các loại phụ kiện khi lái ôtô thì có bị phạt không? Hơn nữa, với điện thoại di động thì việc dùng tay bấm nút nghe chỉ xảy ra trong tích tắc thì rất khó phát hiện. Như vậy, chế tài này vẫn còn kẽ hở quá lớn.

Để Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống, góp phần tích cực giảm nhanh tai nạn giao thông, rất mong cơ quan chức năng sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể để khắc phục những bất cập trên.

 N.V

  • Từ khóa
28618

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu