Thứ 6, 29/03/2024 03:33:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 12:48, 01/10/2016 GMT+7

Những bất cập trong điều 292 và 295 Bộ luật Hình sự năm 2015

N.V
Thứ 7, 01/10/2016 | 12:48:00 2,256 lượt xem

BP - Điều 292 trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Khoản 1 của điều này có nội dung như sau: 1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm: a) Kinh doanh vàng trên tài khoản; b) Sàn giao dịch thương mại điện tử; c) Kinh doanh đa cấp; d) Trung gian thanh toán; đ) Trò chơi điện tử trên mạng; e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

Trong xây dựng cơ bản, tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động thường xuyên diễn ra ở các công trình - Ảnh: B.LTrong xây dựng cơ bản, tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động thường xuyên diễn ra ở các công trình - Ảnh: B.L

Trước hết, ở Khoản 1, tôi đề nghị bỏ cụm từ “không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép” và thay vào đó bằng cụm từ “mà chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Vì, việc cung cấp các dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì cũng như là chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu quy định là được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật sẽ vừa chặt chẽ vừa rõ nghĩa, lại dễ thực thi. Hơn nữa, nếu quy định như trong bộ luật thì ở đây có hai hành vi: Thứ nhất là không có giấy phép; thứ hai là không đúng với giấy phép. Xét dưới góc độ pháp luật thì hành vi thứ hai có yếu tố giảm nhẹ hơn. Trong khi đó, nếu quy định là “chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, đã bao hàm cả hai hành vi trên.

Ở Điểm đ, Khoản 2, Điều 292 có quy định như sau: đ) Thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Ở đây tôi đề nghị bỏ cụm từ “hoặc có doanh thu từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng”. Vì trong thực tế có thể xảy ra trường hợp doanh thu lên đến hơn 5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận có khi chỉ đạt dưới 500 triệu đồng. Hơn nữa, nếu đã quy định mức thu lợi bất chính thì không nên quy định kèm theo mức doanh thu. Vì, xét dưới góc độ pháp luật thì mức doanh thu không thể hiện rõ mức phạm tội của người có hành vi vi phạm, mà là ở mức thu lợi bất chính.

Ở Khoản 3, Điều 292 có nội dung như sau: Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc có doanh thu 5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Như phân tích ở Điểm đ của Khoản 2 nói trên, tôi đề nghị bỏ cụm từ “hoặc có doanh thu 5 tỷ đồng trở lên”. Vì, doanh thu không phải là mục đích, không phải là bản chất của hành vi cố tình vi phạm quy định này.

Điều 295 là những quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Ở Khoản 4 của điều này có quy định như sau: Người vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ở khoản này, tôi đề nghị điều chỉnh theo hướng tăng hình phạt đối với những người có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Bởi những người có hành vi này đều hiểu rõ về an toàn lao động nơi đông người, nhưng họ vẫn vi phạm thì đó là hành vi cố ý, cần có chế tài đủ sức răn đe. Vì vậy, tôi đề nghị tăng mức hình phạt đối với tội danh thuộc khoản này từ 6 tháng tù giam đến 3 năm.

Ở Khoản 5 của điều này quy định như sau: Phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ở đây, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “trong trường hợp” vào ngay sau cụm từ “Phạm tội” và bổ sung cụm từ “dẫn đến hậu quả quy định tại Khoản 3 điều này” vào ngay sau cụm từ “có khả năng thực tế”. Đồng thời, bỏ cụm từ “gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác”, vì nội dung này đã được quy định tại Khoản 3 của điều này. Như vậy, Khoản 5 của điều này sẽ được viết lại như sau: Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại Khoản 3 điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

  • Từ khóa
28835

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu