Thứ 4, 24/04/2024 13:08:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 00:00, 08/12/2011 GMT+7

Những bất cập trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Bình Phước

Thứ 5, 08/12/2011 | 00:00:00 162 lượt xem

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh hiện có 302.656 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 33,62% số dân trong tỉnh. So với nhiều tỉnh thành trong cả nước, tỷ lệ này là cao và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em đang đặt ra rất nhiều khó khăn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Bình Phước.

Một gia đình ở xã Phú Văn có 2 con bị tim bẩm sinh đã được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí

Với đặc thù của một tỉnh vùng sâu, tỷ lệ di dân và đồng bào dân tộc thiểu số cao, giao thông không thuận lợi và có tới 18 xã đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh hiện còn 9,29% hộ nghèo, tương đương 20.948 hộ và 80.980 người, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp không ít trở ngại. Do điều kiện kinh tế khó khăn, sự phức tạp về bối cảnh xã hội cùng những hoàn cảnh, điều kiện cá biệt khiến một bộ phận không nhỏ trẻ em trong tỉnh đang phải sống trong môi trường không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ. Đó là trẻ em sống trong những gia đình nghèo, thiếu sự chăm sóc và phải lao động sớm để kiếm sống, trẻ em sống trong những gia đình có vấn đề về xã hội như cha mẹ ly hôn, làm ăn xa nhà, trẻ em sống trong những gia đình có người vi phạm pháp luật hoặc chính trẻ em vi phạm pháp luật...

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được một số kết quả. Hằng năm tỉnh đều tổ chức xổ số Vì trẻ em để gây Qũy Bảo trợ trẻ em. Mỗi năm, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh chi khoảng 1,5 tỷ đồng cho các hoạt động chăm sóc trẻ. Hàng ngàn em đã được phẫu thuật chỉnh hình sứt môi, hở hàm ếch hoặc phẫu thuật mắt miễn phí. Hàng trăm em bị bệnh tim bẩm sinh đã được hỗ trợ một phần hoặc toàn phần để phẫu thuật với mức chi phí mỗi ca từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Cùng với nguồn quỹ này, công tác vận động các mạnh thường quân trực tiếp tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện rất tốt. Vào các dịp tết Nguyên đán, tết thiếu nhi, tết trung thu, các ngành, địa phương đều chi ngân sách và vận động hỗ trợ để tổ chức các hoạt động chăm sóc, tặng quà cho trẻ em, nhất là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, con em hộ nghèo, gia đình chính sách. Mỗi năm có hàng ngàn em được tặng học bổng, hàng trăm em được tặng xe lăn và những phần quà có giá trị.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho tỉnh trong công tác chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu xây dựng để UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu 100% trẻ khuyết tật được can thiệp, hỗ trợ về y tế và nhiều mục tiêu khác. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 17, ngày 14-12-2010 về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với bậc học mầm non, phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Theo đó, năm học 2010-2011 đã miễn học phí cho 329 học sinh mầm non, 21.098 học sinh THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên; giảm học phí cho 329 học sinh mầm non, 641 học sinh THCS, hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền 7.644 triệu đồng...

NHỮNG BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC TRẺ EM

Từ khi Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em bị giải thể, công tác trẻ em được chia hai, phần chuyển về ngành LĐ-TB&XH, phần thuộc ngành y tế thì cơ chế, nguồn lực cho công tác này trở nên bất cập, không đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở.

Ngày 12-10-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Chính sách này được coi như một biện pháp “trám lỗ hổng” về công tác trẻ em ở tuyến cơ sở. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, tại kỳ họp cuối năm 2010, HĐND tỉnh khóa VII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 16 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh khóa VII đã đề ra 4 mục tiêu, 9 tiêu chí cho giai đoạn 2011-2015 và 6 tiêu chí cho giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, đã gần một năm kể từ khi được ban hành, nhưng Nghị quyết này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống bởi những bất cập về tổ chức bộ máy và cơ chế phối hợp trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Trước đây, từ tỉnh đến xã, phường đều có cán bộ chuyên trách làm công tác trẻ em thì nay chủ yếu là kiêm nhiệm. Với một tỉnh có 302.656 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 33,62% số dân trong tỉnh nhưng mấy năm gần đây, ngân sách tỉnh chi cho công tác trẻ em chỉ đạt bình quân 650 triệu đồng/năm và nguồn kinh phí này là để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Bất cập nhất là bộ máy hoạt động ở tuyến xã, phường, thị trấn. Trước đây, mỗi xã, phường đều có cán bộ chuyên trách làm công tác dân số - gia đình và trẻ em, nay thì mỗi xã, phường làm một kiểu. Có xã giao cho cán bộ thương binh - xã hội kiêm nhiệm, có xã vẫn để nguyên như cũ, nghĩa là cán bộ dân số (nay là cán bộ trạm y tế) theo dõi công tác trẻ em. Tình hình trên đã dẫn đến hàng loạt khó khăn trong công tác quản lý, bởi từ trước đến nay, người làm công tác dân số - trẻ em ở cơ sở là cán bộ xã hội, hầu hết tuổi đã lớn, hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm tích lũy được và dựa vào cộng đồng. Với độ tuổi và trình độ như thế, họ không đủ điều kiện để được tuyển công chức cấp xã nên nhiều người bỏ việc. Ở những xã, phường giao cho cán bộ lao động - thương binh và xã hội tình hình cũng không khá hơn, bởi phần việc của cán bộ này đã quá nặng. Họ không đủ thời gian, không có kỹ năng và kinh nghiệm để kiêm thêm công tác trẻ em. Một nguyên nhân nữa khiến công tác trẻ em cấp xã, phường thời gian qua gần như tê liệt là bởi không có phụ cấp cho hoạt động này nên có giao việc cũng chỉ là hình thức. Thế nên mới có tình trạng ở một số xã, phường, khi cần số liệu về đối tượng trẻ em thì bộ phận này đẩy qua bộ phận khác.

Những khó khăn, bất cập đã nêu không chỉ đối với riêng Bình Phước. Trong đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh khóa VII về công tác trẻ em, sau khi phân tích nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị một số vấn đề đối với từng cấp, ngành, trong đó có việc củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác trẻ em và có chế độ phù hợp cũng như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Và để làm được những điều này, tỉnh cần có những chính sách phù hợp, đáp ứng tình hình thực tiễn đặt ra.

LT

  • Từ khóa
43652

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu