Thứ 6, 29/03/2024 14:39:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:20, 02/10/2014 GMT+7

Những bất cập trong chi trả BHTN

Thứ 5, 02/10/2014 | 09:20:00 110 lượt xem

BP - Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007, riêng phần quy định về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009. BHTN là loại bảo hiểm ngắn hạn với mục tiêu giúp người thất nghiệp sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng, chính sách này hiện mang nặng tính bù đắp mà thiếu ngăn ngừa nạn thất nghiệp và đã nảy sinh nhiều bất cập trong việc chi trả chế độ cho người thất nghiệp.

Cụ thể là những quy định về chế độ BHTN hiện hành đã bộc lộ một số kẽ hở dẫn đến việc người lao động (NLĐ) có thể “lách” luật để trục lợi. Thứ nhất là đối với trường hợp sau: Một người lao động đã đóng đủ 12 tháng BHTN liền xin nghỉ việc để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Trong luật quy định khi người lao động đóng BHTN đủ từ 12-36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp và những trường hợp này có cùng một khung hưởng trợ cấp, nhưng thời gian đóng bảo hiểm lại quá lệch nhau. Như vậy, rõ ràng là với chính sách “một cục” này rất có lợi cho người lao động. Nhất là với những người vừa nhận được tiền thất nghiệp và ngay sau đó lại tìm được việc làm mới.  Tuy nhiên, “cái được” này của người lao động là hoàn toàn trái với mục đích của chính sách BHTN. Bởi đó là chính sách nhằm hỗ trợ hoặc bù đắp một phần thu nhập bị thiếu hụt do bị mất việc, làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Điều đó cũng lý giải hiện tượng người lao động vừa được hưởng chính sách hỗ trợ thất nghiệp lại lập tức xin quay trở lại làm việc thậm chí ngay tại nơi mình vừa xin nghỉ việc. Tương tự, cũng có trường hợp vừa mất việc làm vài ngày đã tìm ngay được việc làm mới, nhưng họ vẫn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và cơ quan quản lý không thể giám sát việc này, vì luật quy định trong vòng 15 ngày sau khi người thất nghiệp đăng ký, cơ quan có thẩm quyền phải chi trả BHTN cho người lao động bị thất nghiệp.

Bất cập thứ hai là ngay sau khi những quy định về BHTN được đưa vào cuộc sống đã thể hiện rõ sự thiếu gắn kết giữa các chính sách. Cụ thể là dữ liệu giữa ngành lao động - thương binh và xã hội với cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa có sự kết nối chặt chẽ. Và điều này không chỉ khiến người lao động phải đi lại giữa hai cơ quan, vừa mất thời gian mà còn khiến quy trình chi trả BHTN không thống nhất. Điều đáng buồn là việc thiếu gắn kết này lại diễn ra ở ngay chính cơ quan BHXH. Thực tế là ở đây, bộ phận thu BHXH thì cứ thu, còn bộ phận chi trả BHTN vẫn cứ chi mà không có sự kiểm soát lẫn nhau. Hậu quả của việc thiếu kết nối này là sự chồng chéo trong thu chi.

Và cũng chính vì sự bất cập đó mà có nhiều lao động trong một tháng đồng thời hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng lại cũng nộp BHXH (tức là họ đã được ký hợp đồng lao động, đã tìm được việc làm mới, thì phải chấm dứt chi trả trợ cấp BHTN hàng tháng). Việc thiếu kết nối này đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm mà thay vào đó là cách giải quyết theo kiểu tình thế là ngành lao động - thương binh và xã hội gửi danh sách sang để cơ quan BHXH kiểm tra và đối chiếu. Việc làm này vừa thủ công, vừa mất thêm thời gian chờ đợi của người lao động.

Rất mong ngành lao động - thương binh và xã hội cùng BHXH sớm có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những bất cập trên để chính sách BHTN thực sự mang đúng ý nghĩa của nó, đồng thời ngăn chặn được những hành vi tiêu cực trong xã hội. 

N.V

 

 

  • Từ khóa
108384

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu