Thứ 5, 25/04/2024 02:16:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:30, 08/12/2016 GMT+7

Những bài ca đi cùng năm tháng

Thứ 5, 08/12/2016 | 07:30:00 581 lượt xem

BP - Sinh nhật lần thứ 80 của mẹ, chị suy nghĩ mãi về món quà tặng mẹ và quyết định đi mua một đĩa ca nhạc cách mạng. Từ khi mẹ chuyển về ở hẳn với gia đình chị, vào mỗi buổi tối, sau khi hết chương trình thời sự, khi chồng chị chăm chăm vào những trận cầu trên tivi, khi chị sướt mướt với những bộ phim diễm tình của Hàn Quốc, khi con gái đeo headphone vào tai và vừa học bài vừa lắc lư với những bài HIT sôi động để khỏi làm phiền người khác thì mẹ lại lui về góc của mình. Mẹ nằm đó, mắt nhìn chong chong lên trần nhà và chị biết còn lâu lắm mẹ mới ngủ được. Thế nhưng mẹ vẫn đi nằm sớm như thói quen của những người già. Nhưng có hôm, vào dịp lễ lạt gì đó hoặc khi nhà đài phát chương trình ca nhạc “Những bài ca đi cùng năm tháng”, có những ca khúc từ thời xa lơ xa lắc thì mẹ lại như bị hút hết tâm trí và ngồi xem cho đến phút cuối. Chị đi một vòng lùng sục khắp các cửa hàng băng đĩa của thị xã nhưng chẳng tìm ra. Cuối cùng một cô bé chiều khách đã phải lục tung đống đĩa của cửa hàng mới tìm được một vài đĩa ca nhạc cách mạng cũ kỹ. Cô bé nói giờ người mua chủ yếu chọn đĩa nhạc trẻ hoặc cải lương, chẳng ai mua đĩa nhạc cách mạng nên cửa hàng không nhập về.

Mẹ cảm động vì món quà của chị. Mấy ngày đầu, mẹ đòi mở đĩa liên tục. Mẹ nằm nghe, chân đánh nhịp theo ca khúc, thậm chí còn lẩm nhẩm hát theo, gương mặt mẹ rạng ngời như cuốn theo không khí của những ngày khởi nghĩa.

Một tiết mục văn nghệ của đoàn ca múa nhạc tổng hợp Bình Phước tại buổi họp mặt “Nghĩa tình Sông Bé yêu thương” - Ảnh: SỸ HÒA

Cũng như mẹ, chị thích nghe dòng nhạc cách mạng. Khi con gái mở chương trình ca nhạc nước ngoài, thấy ca sĩ vừa nhảy nhót loi choi vừa đọc rap, chị nhăn mặt, bảo sao lại có thứ âm nhạc “khó tiêu” đến thế. Nhiều bữa vì tranh cãi về âm nhạc mà hai mẹ con suýt giận nhau. Thời thanh niên của thế hệ chị trở về trước có sự may mắn là được thưởng thức những bài ca bất hủ. Thông qua những bài ca ấy đã phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Và cái thời kỳ bi tráng, cao đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam đã xuất hiện những nhạc sĩ tài ba với rất nhiều bài hát kinh điển trong âm nhạc cách mạng nước nhà. Nhiều bài hát trong thời chống Mỹ đã trở thành những bài hát hay nhất của nhạc đỏ và tân nhạc Việt Nam. Bây giờ, mỗi khi nghe được một bài cực kỳ hay, khi lên google tìm hiểu thì thường là bài đó được sáng tác trong thời chống Mỹ. Mấy bài Xa khơi, Tình ca, Người con gái sông La, Xuân chiến khu, Tự nguyện, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân... đều được sáng tác trong thời kỳ cả nước bừng bừng ra trận.

Khi cuộc chiến chống Mỹ kết thúc, nhiều bạn bè trên thế giới đã ngạc nhiên hỏi làm sao Việt Nam có thể thắng Mỹ!? Câu hỏi tưởng chừng rất khó thì câu trả lời lại thật đơn giản, bởi nếu so sánh những đối tượng bị Mỹ đánh bại với Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy ngay một sự khác biệt rõ nét. Đó là tâm tư tình cảm của cả dân tộc Việt Nam đã được các nghệ sĩ trao gửi thật nhuần nhụy trong những bài ca cách mạng. Chị vẫn còn nhớ rõ nhạc và lời bài hát “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát có âm điệu vừa thanh thoát vừa khí thế, nói lên sức sống mãnh liệt trên các đường phố đô thị ở hậu phương lớn miền Bắc trong những năm tháng chống Mỹ. Khi nghe bài hát này, cho dù nội dung không nói gì đến Trường Sơn, đến tiền tuyến lớn thì người nghe vẫn hiểu được vì sao lớp lớp thanh niên ngày ấy lại sẵn sàng đội bom chi viện cho miền Nam, bất chấp hiểm nguy với những vũ khí công nghệ cao của Mỹ đều không ngăn cản được những đoàn quân ùn ùn ra trận.

Những bài hát mang âm hưởng sục sôi của thời đại được thể hiện bằng những giọng ca nức tiếng một thời như Châu Loan, Trung Kiên, Trần Khánh, Ngọc Bé, Kiều Hưng, Thu Hiền... đã làm lay động những trái tim Việt Nam, khiến ai cũng muốn xung trận để góp sức mình vào cuộc chiến. Và trong số những giọng ca vàng thời đó, có những người được chọn đi biểu diễn ở giới tuyến Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng để hát cho đồng bào miền Nam nghe và làm công tác binh vận.

Chúng ta không chỉ đánh Mỹ bằng súng đạn. Chúng ta đánh Mỹ cả bằng lời ca, tiếng hát. Và đó chính là một trong những lý do khiến Việt Nam thắng Mỹ!

Linh Tâm

  • Từ khóa
92486

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu