Thứ 7, 20/04/2024 15:48:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:22, 09/10/2019 GMT+7

Những bà mẹ “45”

Thứ 4, 09/10/2019 | 14:22:00 1,613 lượt xem

BP - Trại giam vốn không dành cho những phụ nữ mang thai, càng không phải là chỗ cho những đứa trẻ sinh ra và lớn lên. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp đặc biệt, nữ phạm nhân buộc phải sinh con trong trại hoặc đưa bé vào ở cùng vì đứa trẻ không có ai nuôi dưỡng, theo quy định tại Điều 45, Luật Thi hành án hình sự. Và như thế, chuyện chẳng đặng đừng, các trại giam đành chấp nhận cho con theo mẹ. Điều đó đồng nghĩa với việc các cháu cũng phải sinh hoạt, vui chơi bên trong những cánh cổng nhà giam.

Lớp học đặc biệt

Chúng tôi đến thăm lớp học đặc biệt dành cho con các nữ phạm nhân tại Phân trại 1, Trại giam An Phước (Bộ Công an), xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Giữa những tán lá sum xuê yên tĩnh, nhà giữ trẻ Phân trại 1 leng keng tiếng kẻng báo giờ vào lớp. Những nữ phạm nhân dẫn con đi học ríu rít...

Đó là một phòng sinh hoạt được trại giam ưu ái cải tiến thành nhà giữ trẻ với 20 cháu độ tuổi nhũ nhi. Đứa lớn nhất gần 3 tuổi, nhỏ nhất tròn 7 tháng. Lẫn trong tiếng bi bô của những em đã quen với cảnh vào nhà trẻ để mẹ đi cải tạo, không ít tiếng các bé còn nhỏ thút thít khóc bám chặt vai mẹ... Bảo mẫu Đinh Thị Đan Phương - cũng là phạm nhân vừa luôn miệng dỗ dành vừa làm những động tác động viên, khuyến khích thu hút sự chú ý để các bé tạm quên người mẹ đang phải ra vườn lao động, cải tạo.

Các nữ phạm nhân tại Trại giam An Phước (Bộ Công an) dẫn con đến lớp

Bảo mẫu Phương cho biết: Lúc bị bắt, tôi mới thảng thốt nhận ra mình đang mang trong bụng một hình hài. Không ít lần tôi nuốt nước mắt viết đơn, đề nghị được phá thai. Thế nhưng, mầm sống khỏe mạnh trong bụng cứ lớn dần, cử động từng giờ, nhắc nhở về tình mẫu tử... Tôi quyết định giữ lại đứa bé, chấp nhận sinh con trong trại giam. Như một sự an ủi tuyệt vời của số phận, bé Bông - con của Phương xinh tươi và rất lanh lợi. Điều Phương trăn trở nhất chính là thời hạn 36 tháng nuôi con nhỏ đang đến gần mà ngày về của mình thì còn quá xa. Phương nghẹn ngào: “Điều tôi trăn trở là gia đình đã bỏ tôi. Sắp hết 36 tháng rồi, con tôi không được ở đây nữa, án thì còn rất dài...”.

Và nỗi niềm người trong cuộc

Theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án hình sự, người đang chấp hành hình phạt tù là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể sinh con và nuôi con để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn trong trại giam, trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ. Đây cũng là chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Phân trại 1, Trại giam An Phước hiện có 20 bé theo mẹ ở trại giam. Cuộc sống của các cháu bắt đầu ở một môi trường mà bất kỳ ai cũng không mong muốn. Và với mẹ của các bé, buộc phải rời xa con mới là sự trừng phạt nặng nề và khủng khiếp nhất. Chúng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc chia tay không mong đợi giữa phạm nhân Lê Thị Thùy Ngân và con gái vừa tròn 3 tuổi Trần Yến Linh. Cháu năm nay tròn 3 tuổi, theo quy định phải đưa về người thân chăm sóc. Nước mắt lưng tròng, cả hai mẹ con nghẹn ngào trong tiếng nấc. Với Ngân, chị đau như thắt từng đoạn ruột trước tiếng gào khóc đòi mẹ của con gái giờ phải theo ngoại về quê.

Kể về việc bé Linh phải theo mẹ vào trại giam, Ngân cho biết, ở quê chị đã có một đứa con 5 tuổi. Vợ chồng cưới nhau được 3 năm thì tan vỡ vì chồng chị có người đàn bà khác. Nhà đông người, công việc không ổn định, kinh tế thiếu trước hụt sau khiến chị dấn thân vào con đường phi pháp: buôn bán ma túy cùng người tình mới quen. Chỉ 2 tuần buôn bán “nàng tiên nâu”, Ngân sa lưới Công an huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngân nhận bản án 13 năm tù trong sự bẽ bàng, hối hận, càng chua chát hơn khi cán bộ quản giáo nhà tạm giam An Giang thông báo chị đang mang thai. Sinh linh bé bỏng, mầm sống trong bụng chính là hậu quả của cuộc tình đã đẩy chị vào cảnh tù tội. Ngân ngậm đắng, nuốt cay xin được sinh con ngay trong bệnh xá của trại giam. “Tôi đã quá sai lầm khi dấn thân vào con đường phi pháp. Tôi đưa con vào đây, làm khổ nó, rồi lại phải đưa con về xã hội rộng lớn. Tôi hận chính bản thân mình. Giá như tôi lo làm ăn lương thiện thì đâu phải chịu cảnh xa mẹ, lìa con như hôm nay” - Ngân tâm sự trong tiếng nấc.

Thượng tá Phùng Văn Tuyến, Giám thị Trại giam An Phước cho biết: Trại đã bố trí lớp học khá tươm tất với những trang bị tối thiểu để các cháu vui chơi. Tuy nhiên, môi trường trại giam chưa bao giờ thích hợp với các cháu. Sau 36 tháng, những cháu không có người thân nhận nuôi buộc trại phải làm hồ sơ gửi các cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội. Phải đưa các cháu ra ngoài xã hội, xa vòng tay của mẹ là điều chúng tôi rất trăn trở. Tình mẫu tử mà cách chia thì không ai nỡ. Tuy nhiên, đưa con của những nữ phạm nhân ra ngoài xã hội để đảm bảo quyền được học hành là tốt nhất, cũng giúp các phạm nhân nỗ lực phấn đấu cải tạo tốt hơn”.

Trò chuyện với chúng tôi, rất nhiều bà mẹ phải nuôi con trong tù khôn nguôi xót xa, ân hận. Nhiều người buộc phải đưa con vào trung tâm bảo trợ xã hội mà bản thân họ thì đường về còn quá xa. Có người án 5 năm, 10 năm, thậm chí lãnh án chung thân. Phương gửi gắm: “Tôi mong mọi người hãy nhìn vào chúng tôi để đừng làm những việc phi pháp, phải rứt ruột xa con”. Với Ngân, người mẹ trẻ nay phải xa con, cam kết: “Tôi sẽ phấn đấu cải tạo thật tốt để sớm về với con, làm một người tốt. Dù kiếm ngày năm ba chục ngàn nuôi con, thiếu trước hụt sau cũng được, chứ không bao giờ bước chân vào con đường phi pháp nữa”.

Hưng Cát - Nguyễn Tấn

  • Từ khóa
32324

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu