Thứ 7, 20/04/2024 07:49:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:34, 14/08/2013 GMT+7

Những anh hùng nối mạch thông tin

Thứ 4, 14/08/2013 | 08:34:00 180 lượt xem

Ngành bưu điện lớn lên cùng mỗi bước phát triển của cách mạng, của đất nước. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ và ác liệt, với tinh thần kiên trung, lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền nam đã dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi hiểm nguy để giữ vững thông tin liên lạc luôn thông suốt, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Những chiến công thầm lặng

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng", giao thông liên lạc như thần kinh, mạch máu của con người, lực lượng giao bưu, thông tin tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục vụ sự lãnh đạo của Ðảng trên cả hai chiến trường nam - bắc. Năm 1961, Trung ương Cục miền nam được thành lập, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền nam. Trung ương Cục đã thành lập các ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có Ban Thông tin (năm 1961) và Ban Giao bưu vận (ngày 2-6-1962), đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của hai ngành giao bưu và thông tin.


Một cụm đài vô tuyến điện của Ban Thông tin vô tuyến điện Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Tân Biên

Với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ các đường dây đưa người, vũ khí, hàng hóa từ bắc vào nam đến việc chuyển công văn, tài liệu, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Cục; tổ chức các phiên liên lạc của Trung ương Cục, mã dịch điện mật của đối phương... Những chiến công của các chiến sĩ giao bưu, thông tin tuy thầm lặng nhưng rất đỗi anh hùng. Người trước ngã xuống, người sau lại đứng lên, tiếp bước để cho hành trình giao bưu, làn sóng thông tin không bao giờ ngừng.

Không chỉ gan dạ, kiên cường trong chiến đấu, những chiến sĩ giao bưu, thông tin còn mưu trí, sáng tạo trong công việc để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng giao phó, như: viết tài liệu "tàng hình" bằng bạch chỉ; vận dụng hàng trăm cách ngụy trang để vận chuyển tài liệu, che giấu thiết bị điện đài; trong điều kiện thiếu thốn vẫn tự chế, lắp ráp được các thiết bị thu phát vô tuyến điện; tạo ra các cụm đài thật, tín hiệu giả (đài B6) để đánh lạc hướng đối phương... Dù bị địch càn quét, bắt bớ ráo riết, phải di chuyển qua hàng chục địa điểm nhưng những con đường giao liên, những cánh sóng thông tin vẫn lan tỏa khắp chiến trường miền nam, tạo nên hệ thống thông tin huyết mạch quan trọng của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền nam.

Ðã gần 40 năm trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, nhưng những chiến công của các chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền nam vẫn còn sáng mãi. Ðó là câu chuyện của liệt sĩ giao liên mới 16 tuổi Võ Văn Hai thuộc Ban Giao bưu vận Khu 6. Ðầu năm 1967, khi nhận lệnh chuyển thư "hỏa tốc", giao liên Võ Văn Hai chẳng may bị lọt vào ổ phục kích của Mỹ tại cung đường Hồng Lam - Hồng Chính. Dù  bị thương nhưng Hai đã nhanh trí vùi tài liệu xuống cát. Khi địch đến gần định bắt sống Hai, em đã nắm chặt quả lựu đạn được rút chốt sẵn ném tiêu diệt gần 10 tên địch và anh dũng hy sinh. Sự dũng cảm của Hai đã để lại niềm cảm phục, tiếc thương cho rất nhiều đồng đội... Không chỉ lực lượng giao bưu, thông tin cũng là mục tiêu bị địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá, tiêu diệt hòng cắt đứt liên lạc của cơ quan đầu não cách mạng. Nếu như giao liên có công văn hỏa tốc quan trọng khẩn cấp, phải chạy ngày đêm trên đường, thì khối lượng công việc của điện đài cũng rất lớn. Ðến chiến dịch, hầu hết cả khối bức điện đều khẩn, những phiên liên lạc dày đặc suốt 24 giờ mỗi ngày, dù nhịn ngủ suốt tuần, suốt tháng hay địch càn sắp đến nơi cũng đều phải lên máy làm việc đúng giờ. Sự ác liệt của chiến tranh cũng đã lấy đi sinh mạng của rất nhiều chiến sĩ thông tin, nhưng trong hoàn cảnh nào, các chiến sĩ thông tin cũng luôn thể hiện tinh thần bất khuất, trung kiên với cách mạng. Như liệt sĩ Nguyễn Khánh, bị trúng đạn lìa cả hai chân,  trước khi tắt thở còn hỏi: "Máy mình có bị hỏng không?". Những tấm gương liệt sĩ giao bưu, thông tin ấy luôn sống mãi trong lòng thế hệ những người làm bưu điện hôm nay.

Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các chiến sĩ giao bưu, thông tin đã làm nên những kỳ tích vẻ vang, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ban Giao bưu vận Trung ương Cục miền nam đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa phục vụ chiến trường; đưa rước hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ an toàn. Ban Thông tin Trung ương Cục miền nam đã thiết lập được mạng lưới thông tin luôn thông suốt từ Trung ương đến các khu, tỉnh với hàng trăm đài các loại; lưu thoát được hàng chục nghìn bức điện; phục vụ hàng nghìn phiên liên lạc cho Trung ương Cục. Và xúc động thay khi 5.000 cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền nam đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn người mang thương tật suốt đời.

Viết tiếp những trang vàng

Với những đóng góp to lớn của lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền nam, ngày 25-4-2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định 804/QÐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND tặng Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền nam.

Những chiến công vẻ vang của Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền nam đã góp phần hun đúc nên truyền thống "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" của ngành bưu điện. Tiếp nối truyền thống đó, bước vào thời kỳ đổi mới, ngành bưu điện đã làm nên kỳ tích tăng tốc phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng nên mạng lưới bưu chính viễn thông (BCVT) Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm thế giới, được Ðảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.

Ðóng góp vào những bước phát triển mạnh mẽ của ngành BCVT trong thời kỳ đổi mới, CNH, HÐH đất nước không thể không nhắc đến vai trò đi đầu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực VT-CNTT. Qua hai giai đoạn tăng tốc phát triển (1993 - 1995 và 1996 - 2000) và giai đoạn hội nhập phát triển từ năm 2001 đến nay, cơ sở hạ tầng của BCVT - CNTT Việt Nam đã được hiện đại hóa, phát triển vượt bậc với những đóng góp nền móng quan trọng của VNPT. Ðến hết năm 2007, VNPT đã hoàn thành mục tiêu đưa điện thoại đến 100% số xã trên cả nước; 92% số xã có báo đọc trong ngày, đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ in-tơ-nét đến vùng sâu, vùng xa. Tháng 4-2008, VNPT thêm một lần nữa ghi dấu ấn của mình khi phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 và chỉ bốn năm sau tiếp tục phóng thành công VINASAT-2, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT-CNTT, phát thanh, truyền hình. Hiện VNPT là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn với 93% thị phần mạng điện thoại cố định, gần 60% thị phần mạng di động, 75% thị phần in-tơ-nét Việt Nam. Với những nỗ lực và đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, năm 2009, VNPT đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Thời gian qua, VNPT cũng luôn chủ động đổi mới, thực hiện tái cơ cấu trong từng giai đoạn phát triển. Năm 2012, VNPT đã hoàn thành tách Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) ra hoạt động độc lập, tạo điều kiện thuận lợi để cả VNPT và VietnamPost cùng phát triển. Với VietnamPost, đây sẽ là động lực để toàn ngành bưu chính tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và phát triển bền vững. Với VNPT, đây là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh của tập đoàn.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành bưu điện, VNPT hôm nay đang tiếp tục phấn đấu để giữ vững vai trò là Tập đoàn VT-CNTT chủ lực luôn bảo đảm tốt thông tin đối nội, đối ngoại, phục vụ quốc phòng, an ninh của đất nước. Với bề dày truyền thống của mình, VNPT đang quyết tâm đổi mới toàn diện, xây dựng và thực hiện Ðề án tái cơ cấu theo hướng tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị doanh nghiệp để đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Ðề án "Ðưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT" của Chính phủ và công cuộc đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.

(Theo NDĐT)

  • Từ khóa
46281

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu