Thứ 6, 29/03/2024 15:13:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:34, 04/10/2015 GMT+7

Nhức đầu với giá điện

Chủ nhật, 04/10/2015 | 09:34:00 80 lượt xem
BP - Sự kiện nổi bật nhất thời gian qua là việc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) công bố dự thảo về tính giá điện theo 4 bậc thang thay cho 6 bậc thang như trước đã làm cho dư luận đồng loạt phản ứng. Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia thị trường... xem việc dự thảo giá điện mới của EVN là một gánh nặng đối với người tiêu dùng, làm nhức đầu đối với các hộ nghèo hiện nay.

Với dự thảo giá điện do EVN vừa đưa ra, hóa đơn tiêu thụ điện vượt trên 400kWh thì tiền điện tăng chóng mặt. Bởi một gia đình nếu mỗi tháng dùng khoảng 700kWh, thì số ban đầu tiền điện phải trả cho 400kWh ước khoảng 930 ngàn đồng còn 300kWh điện sau phải trả 776.100 đồng, tăng hơn 640 ngàn đồng so với tháng dùng 400kWh điện giá cũ. Nói cách khác, giá điện ở dự thảo mới được chia làm 4 bậc thang, bậc thang số 4 là 2.587 đồng/kWh, bằng bậc thang số 6 của giá điện hiện nay nhưng người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi vì từ 6 bậc thang giá còn 4 bậc. Bởi ở giá điện cũ, mỗi hộ có thể tính toán việc sử dụng điện để tiết kiệm theo từng bậc thang. Nếu mỗi gia đình dùng khoảng 300- 400kWh thì phải trả 2.242 đồng/giờ cho 300kWh ban đầu và phải trả 2.505 đồng/giờ cho 100kWh điện tiếp theo. Còn ở dự thảo giá điện mới thì người tiêu dùng phải trả 2.325 đồng cho 300 kWh điện đầu tiên và 2.587 đồng cho 100 kWh điện tiếp theo. Bảng giá điện mới chỉ mức tiêu thụ từ 0-50kWh là giữ nguyên như bậc thang số 1 của giá điện cũ còn lại đều cho thấy sự tăng giá của 3 bậc thang còn lại.

Như vậy, với giá điện của dự thảo mới này tuy mang tính khuyến khích các gia đình tiết kiệm việc sử dụng điện, song đây chỉ là yếu tố nhỏ không thuyết phục. Bởi trong xu thế của cuộc sống hiện tại với nhiều vật dụng, phương tiện sinh hoạt và sản xuất đều sử dụng điện thì mỗi gia đình sẽ tiêu thụ phải trên 500 số. Nếu tiêu thụ càng nhiều thì giá điện phải trả càng cao. Trong khi đó, điện cũng là một mặt hàng nhưng chưa bao giờ đơn vị chủ quản tính đến phương án giảm giá hay chế độ khuyến mãi như các mặt hàng tiêu dùng khác. Do vậy, những kiến nghị các nhà kinh tế, phản ứng của người dân về biểu giá điện mới thực ra là mong muốn ngành điện cần giảm áp lực giá quá cao ở các bậc cuối. Vấn đề mà dư luận quan tâm không phải là chuyện chia 4 hay 6 bậc thang giá mà chính là khoảng cách giữa các bậc thang và đơn giá ra sao để người nghèo, hộ tiêu thụ điện được mua với giá hợp lý.

Một nghịch lý nữa mà dư luận, báo chí luôn phản ánh là EVN luôn kêu lỗ để tìm mọi cách tăng giá điện là do đầu tư ngoài ngành. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đến năm 2013, EVN đã chi hàng triệu đô la để cử cán bộ, viên chức của ngành đi học cao học nhưng bằng thạc sĩ không được cơ quan chức năng công nhận cũng tính vào giá điện. Ngoài ra, báo cáo của Thanh tra Chính phủ còn cho rằng, EVN đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc đầu tư ngoài ngành điện như xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự, chung cư, sân tennis, góp vốn cùng nhiều đơn vị khác... không hiệu quả cũng tính vào giá bán điện.

Do vậy, Việt Nam đang rất cần phá vỡ thế “độc quyền” của ngành điện, bản thân EVN phải trân trọng khách hàng, đừng để người tiêu dùng thấp thỏm, nhức đầu vì chuyện giá điện leo thang từng ngày. Khách hàng chính là thượng đế, bộ phận quan trọng làm tăng doanh thu cho ngành để EVN hoàn thành “xuất sắc” các chỉ tiêu kinh doanh đã vạch ra hằng năm.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu