Thứ 5, 25/04/2024 16:19:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:29, 30/11/2015 GMT+7

Như thế là vi hiến

Thứ 2, 30/11/2015 | 06:29:00 558 lượt xem

BP - Tại Khoản 11, Điều 7 trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em, nội dung như sau: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ trẻ em, người giám hộ và sự đồng ý của trẻ em theo quy định của pháp luật, không vì lợi ích của trẻ em. Và ở Điều 20 là những quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, trong đó, Khoản 1 của điều này có quy định như sau: Mọi trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi ở và thư tín.

Ngay sau khi dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, trong xã hội đã có nhiều ý kiến về những quy định nêu trên. Và ngay cả trong diễn đàn Quốc hội, cụ thể là tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, có một số vị đại biểu đã đưa ra ý kiến rất băn khoăn về quy định mọi trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi ở và thư tín. Thậm chí có vị đại biểu còn cho rằng quy định này không phù hợp ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa internet như hiện nay. Và vị đại biểu này cho rằng: Nếu bố mẹ không kiểm soát thì có khi trẻ con đưa cả chuyện của bố mẹ lên facebook thì chết.

Học sinh Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài) trong buổi sinh hoạt hè - Ảnh: S.H

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì trong dư luận xã hội và cả ý kiến của vị đại biểu Quốc hội như nói ở trên là có cơ sở thực tế. Bởi vì ngày nay không thiếu cảnh học sinh đánh nhau rồi tung lên mạng. Thậm chí có cả học sinh làm chuyện “người lớn” rồi tự quay và đưa lên mạng... Song, tôi không đồng tình với những ý kiến nêu trên. Và tôi cho rằng, nếu có chuyện như thế xảy ra thì người làm cha mẹ, mỗi gia đình và trường học - nơi có học sinh làm chuyện sai trái như nêu trên, phải xem xét lại trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con, em, học sinh của mình như thế nào? Cha ông chúng ta từ ngàn xưa đã dạy rằng “Không thầy đố trò làm nên”, điều này có nghĩa là “thầy sao thì trò vậy”, thầy có giỏi, có là một người thầy gương mẫu, một công dân chuẩn mực... thì ắt sẽ có những học trò giỏi, ngoan. Và với gia đình, ông cha ta vẫn thường nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Tuy nhiên, ở đây tôi không hề khẳng định một người con, người cháu hư đều là lỗi của người mẹ, hay người bà, mà đó là lỗi của những người làm cha, làm mẹ và làm ông, bà. Bởi đó là những người thân gần gũi nhất của đứa trẻ. Chưa hết, dù được học ở trường nhưng thời gian đứa trẻ ở nhà với gia đình, với cha mẹ và ông bà nhiều hơn ở trường. Vì thế, nếu đứa trẻ chưa ngoan thì cũng không thể đổ hết lỗi cho thầy cô giáo ở trường. Và có một điều chắc chắn rằng, ai có thể phủ nhận được rằng, một đứa trẻ có ngoan, giỏi hay hư hỏng đều là do giáo dục mà nên.

Vậy thì muốn có những người con ngoan, học trò giỏi thì phải chăm lo giáo dục, chăm sóc và bảo vệ chúng, không nên ngăn cản, cấm đoán và vi phạm quyền của trẻ em và cao hơn nữa là quyền công dân. Bởi vì, Hiến pháp năm 2013, mà cụ thể là tại Khoản 2, Điều 15 quy định rõ: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Hay tại Khoản 1, Điều 16 nêu: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Và tại Khoản 1, Điều 17 quy định như sau: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Mà một khi đã là trẻ em Việt Nam, dứt khoát trẻ em đó phải là người có Quốc tịch Việt Nam và như vậy là công dân Việt Nam. Một khi đã là công dân Việt Nam thì đều có đầy đủ các quyền mà Hiến pháp đã quy định. Trong khi đó, một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định cụ thể tại Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 như sau: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Do đó, nếu vì lo ngại điều gì đó mà hạn chế quyền của trẻ em thì đó là vi hiến.

Nói tóm lại, trẻ em cũng là công dân và đã là công dân thì có đầy đủ quyền công dân theo Hiến pháp quy định, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục không thể bỏ bớt hay thêm quyền cho trẻ em. Vấn đề đặt ra ở đây là quyền bất khả xâm phạm và quyền được bảo vệ đối với trẻ em được kết hợp như thế nào trong dự thảo luật để không xung đột. Đồng thời, nội dung của dự thảo luật cần thiết kế sao cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em phải đi cùng với nhau, để bảo vệ quyền của trẻ em. Và đó là công việc của các nhà soạn thảo dự luật.

D.V

  • Từ khóa
52991

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu