Thứ 7, 20/04/2024 14:43:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:44, 30/01/2019 GMT+7

Nhọc nhằn về quê ăn tết

Thứ 4, 30/01/2019 | 08:44:00 135 lượt xem

BP - Sau sự cố tàu hỏa trật bánh ở tỉnh Bình Thuận, đường sắt tê liệt khiến hàng loạt chuyến tàu tết bị trễ giờ, việc đi lại của hành khách bị đảo lộn. Đến khuya 27, rạng sáng 28-1 (nhằm ngày 23 tháng chạp) vẫn còn hàng ngàn người nằm và ngồi chờ ở Ga Sài Gòn. Tại các bến xe, sân bay, hành khách cũng tập trung về rất đông dẫn đến sự quá tải trong những ngày cận tết. Năm nào cũng vậy, hành trình về quê ăn tết của những người lao động ngoại tỉnh, nhất là người dân quê ở các tỉnh phía Bắc và sinh viên trong những ngày cuối năm cũng không hề suôn sẻ.

Năm hết tết đến, mỗi người dân xa quê đều mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đoàn viên, đầm ấm. Tuy vậy, hành trình về quê lại phụ thuộc vào các loại phương tiện, mà dịp cuối năm thường gặp tình trạng “chặt chém”, tăng giá vé vô tội vạ của các nhà xe. Theo tính toán của ngành chức năng, lượng khách về quê ăn tết Nguyên đán năm nay tăng từ 2-7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù kế hoạch phục vụ người dân đi lại dịp tết đều đã được bộ, ngành và doanh nghiệp vận tải báo cáo là chuẩn bị chu đáo, nhưng hầu như năm nào cũng tái diễn những chuyến xe nhồi nhét khách, giá vé tăng tùy tiện. Với những người di chuyển bằng đường bộ phải đối mặt với tình trạng ăn uống nhếch nhác, giá trên trời, thậm chí có thể bị nhân viên nhà xe hành hung nếu dám thắc mắc. Vé xe khách dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi được thành phố Hồ Chí Minh cho phép tăng 20-60% tùy thời điểm, lộ trình. Tuy nhiên, thực tế nhiều nhà xe hiện đã tăng trên 160%. Dù là xe ở trong hay ngoài bến, khi được hỏi vì sao lại tăng giá vé quá cao so với ngày thường thì hành khách đều nhận được câu trả lời muôn thuở: “Tăng giá vé để bù đắp chi phí cho chiều xe chạy ngược lại vắng khách”. Với đủ lý do các nhà xe đưa ra, trong khi ai cũng mong muốn được về nhà càng sớm càng tốt nên hành khách đành phải chấp nhận.

Tết Nguyên đán năm nay được nghỉ dài ngày nên nhu cầu đi lại của hành khách lại càng tăng cao. Tại các bến xe, tình trạng khách chen chúc chờ xe diễn ra ngày một căng thẳng. Đông khách, các nhà xe cũng không mặn mà việc bán vé và bắt khách tại bến mà họ thường đón khách dọc đường để dễ nhồi nhét và chặt chém. Bắt xe dọc đường, hành khách không phải mua vé trước và lúc nào cũng có thể lên xe, nhưng phải chịu cảnh ngồi chật như “nêm xay” và giá thì chủ xe đặt ra bao nhiêu đều phải trả bấy nhiêu.

Ngày 28-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân dịp tết, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn tết do không có tàu, xe. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị tính toán phương án tăng chuyến, xe dự phòng bảo đảm không để hành khách nào không có xe về quê ăn tết. Các ngành liên quan cùng với các địa phương, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đều đã tích cực vào cuộc, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại bến xe, bến tàu...

Tuy vậy, không cơ quan chức năng nào dám khẳng định sẽ quản lý được chuyện cò vé, tăng giá, nhồi nhét khách. Vì vậy, hành khách trên lộ trình về quê ăn tết vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu