Thứ 6, 29/03/2024 15:55:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:25, 16/08/2018 GMT+7

Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng sâu

Thứ 5, 16/08/2018 | 15:25:00 1,548 lượt xem
BP - Vượt qua khó khăn, những giáo viên vùng sâu vẫn bám trụ, miệt mài đem con chữ đến với học sinh dân tộc thiểu số, giúp các em dệt ước mơ trong tương lai.

13 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, thì có tới ½ quãng thời gian cô Phí Thị Miền, giáo viên Trường mẫu giáo Ánh Dương, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) dạy tại điểm lẻ của trường. Đường đi khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn và phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình eo hẹp, nguy cơ nghỉ học, bỏ học cao. Vì thế, cô Miền cũng như các thầy, cô giáo nơi đây, ngoài truyền dạy tri thức còn đến tận nhà vận động các em trở lại trường mỗi khi lớp vắng. Năm học 2017-2018, cô Miền được phân công dạy tại điểm trường Tiểu khu 42 (thôn 10), đây là điểm trường thứ 4 của Mẫu giáo Ánh Dương. Lớp cô phụ trách có 20 trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp nơi đây chưa đạt chuẩn, đồ chơi, đồ dùng học tập còn thiếu.

Cô Hỏa Thị Nga, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh trong giờ dạy môn Toán tại điểm trường thôn 10, xã Đắk Ơ năm học 2017-2018

Cô Miền đã dùng một phần tiền lương ít ỏi mua dụng cụ và tự tay làm đồ chơi cho học sinh nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu dạy và học. Cô Miền chia sẻ: “Giảng dạy tại điểm lẻ khó khăn nhất của trường, tuy cơ sở vật chất ở thôn 10 được xây dựng khang trang song chỉ phù hợp với học sinh bậc tiểu học, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của các em lứa tuổi mầm non. Không có cây xanh, diện tích phòng học nhỏ, không gian chật hẹp, đồ dùng học tập và đồ chơi cho các cháu thiếu thốn. Tôi đã trích tiền lương mua dụng cụ, nguyên liệu về làm đồ chơi cho các cháu nhưng chỉ đáp ứng phần nào. Mong các cấp, ngành, chính quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cho trường học để công tác giảng dạy và học tập ngày càng chất lượng”.

Cũng giảng dạy tại điểm trường Tiểu khu 42, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, cô Hỏa Thị Nga gặp những khó khăn riêng. 100% học sinh lớp cô phụ trách chưa qua mẫu giáo, tiếng phổ thông chưa rành, lại thường xuyên nghỉ học khiến việc tiếp thu bài của các em bị hạn chế. Bên cạnh đó, con còn nhỏ, tuyến đường đất đỏ hơn chục cây số từ nhà cô đến trường bụi mù vào mùa khô, trơn trượt vào mùa mưa khiến việc “gieo” chữ của cô thêm phần khó khăn. Thế nhưng bằng niềm tin và tinh thần trách nhiệm của người “lái đò”, cô Nga đã không ngừng cố gắng, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ và linh hoạt trong giảng dạy, miệt mài mang tri thức đến các em vùng sâu. Cô Nga nói: “Dạy học ở vùng sâu, xa, đường đi khó khăn, trình độ nhận thức của học sinh hạn chế, nói tiếng phổ thông chưa sõi. Vì vậy, ngoài truyền đạt kiến thức các môn học theo quy định, tôi còn linh động dành thêm thời gian để bổ trợ kiến thức cho các em ở những môn quan trọng, nhất là Toán, tiếng Việt...”.

Thầy Hà Văn Phương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh cho biết: Trường hiện có 3 điểm học, gồm 2 điểm lẻ và 1 điểm chính. Điểm lẻ xa nhất cách trường chính khoảng 9km (điểm trường ở thôn 10). Do đường sá khó khăn khiến việc đi lại của cán bộ, giáo viên rất vất vả. Kinh phí hạn hẹp nên trường cũng chỉ hỗ trợ giáo viên giảng dạy ở điểm lẻ một phần rất nhỏ”.

Hiện trên địa bàn huyện Bù Gia Mập có 79 điểm lẻ thuộc 27 trường mầm non và tiểu học. Đây là những phòng học tạm, phòng mượn, có khi là nhà văn hóa thôn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của thầy trò nơi đây. Riêng điểm trường tại Tiểu khu 42 (thôn 10, xã Đắk Ơ), 2017-2018 là năm học đầu tiên của trường với 1 lớp 1 gồm 16 em và 1 lớp mẫu giáo 5 tuổi gồm 20 em, hầu hết là con em các hộ tái định cư. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang với 4 phòng học, 2 phòng công vụ cùng trong khuôn viên nhà văn hóa thôn 10. Tuy nhiên phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con nên nguy cơ học sinh nghỉ học, bỏ học tăng. Vì vậy, áp lực duy trì sĩ số và chất lượng giáo dục nơi đây đang đè nặng lên vai giáo viên, việc “gieo” chữ thêm nhọc nhằn hơn. Rất mong các cấp, ngành, nhất là ngành giáo dục quan tâm, hỗ trợ để thầy, trò nơi đây có điều kiện hơn trong năm học 2018-2019.

Phạm Công - Văn Nguyên

  • Từ khóa
2155

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu