Thứ 5, 25/04/2024 17:50:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:15, 30/04/2017 GMT+7

Nhớ những ngày tháng Tư năm ấy

Chủ nhật, 30/04/2017 | 06:15:00 3,751 lượt xem
BP - Những ngày cuối tháng Tư năm ấy, cánh đồng lúa của làng tôi đang kỳ trổ bông nên toàn bộ lao động của hợp tác xã tập trung cho công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương. Nhà tôi ở cuối làng, ngay sát con kênh đang được nạo vét nên đây là dịp lý tưởng để đám trẻ chúng tôi nghịch ngợm. Tôi cùng mấy đứa trong xóm lấy bùn đất vừa được vét lên bờ ném nhau rồi nhảy ùm xuống kênh lặn ngụp, mặc cho dòng nước ngầu đục vì đang nạo vét.

Ngày ấy, cha tôi là đội trưởng phụ trách sản xuất. Giữa tiếng nói cười ồn ào của bà con xã viên, chiếc ra-di-o lúc nào ông cũng đeo kè kè bên hông khọt khẹt rồi phát đi tin thắng Mỹ trên toàn miền Nam, chúng ta đã giành được hòa bình, thống nhất trên toàn lãnh thổ! Cha tôi lặng người, hòn đất chuyển đến tay ông rơi tõm xuống nước. Ông vội vàng trèo lên mô đất cao, giơ hai tay lên trời rồi gào lên: Hòa bình rồi, thống nhất đất nước rồi bà con ơi! Cả công trường thủy lợi chợt lặng đi giây lát rồi vỡ òa những tiếng cười, tiếng nói, tiếng khóc. Những người đàn ông lem luốc bùn đất ôm chầm lấy nhau. Những người đàn bà nắm lấy vai nhau vừa kêu tên chồng, tên con, tên em vừa khóc. Mấy đứa trẻ lóc nhóc chúng tôi tồng ngồng bò lên bờ kênh và tròn mắt nhìn những người lớn khóc cười. Cha tôi ôm thốc lấy tôi, giơ cao quay mấy vòng rồi hét lên: Sướng rồi con ơi. Hòa bình rồi! Chú mày sắp về rồi!


Xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4-1975 - Ảnh: Tư liệu

Mười hai tuổi, tôi chưa ý thức được một cách đầy đủ ý nghĩa của hai tiếng hòa bình, nhưng nhìn bộ dạng cha tôi và những người lớn tuổi trong làng hôm ấy, tôi đoán đó là điều lớn lao, kỳ diệu lắm. Trong trí óc non nớt của tôi, hòa bình nghĩa là từ nay tôi không còn phải vừa bưng bát cơm ăn, vừa canh chừng để lao xuống hầm mỗi khi nghe tiếng máy bay Mỹ rít trên đầu. Hòa bình nghĩa là tôi và bọn trẻ trong xóm không còn phải  đội mũ rơm đến trường hay khi đi chăn trâu, thả vịt. Hòa bình nghĩa là mấy anh chị thanh niên có thể được mặc áo trắng ra đường mà không bị mấy ông bà già rầy la là “làm mục tiêu cho máy bay Mỹ”. Hòa bình nghĩa là chú tôi từ chiến trường khói lửa sẽ trở về!

Buổi lao động hôm ấy kết thúc sớm hơn thường lệ, bởi không ai còn tâm trí đâu mà làm việc nữa, nhưng cũng không ai chịu trở về nhà mình. Dưới lũy tre rợp mát trước ngõ nhà tôi, từng tốp người vẫn túm tụm bàn bạc về tin hòa bình, thống nhất đất nước. Mỗi gia đình đều có những dự định, những kế hoạch riêng cho một giai đoạn mới, khi chồng, con, em, cháu họ từ chiến trường trở về. Tối hôm ấy, bên ấm nước chè xanh đặt giữa sân, cha tôi chiêu một ngụm lớn rồi thủng thẳng nói với mẹ tôi kế hoạch hỏi vợ cho chú tôi. Cha còn nói sẽ phá cái hầm tránh đạn, chặt mấy bụi tre già ngâm xuống ao để cuối năm dựng thêm căn nhà cho chú ra ở riêng khi cưới vợ. Tôi thì thào vào tai đứa em trai: Cha sắp phá hầm! Rồi chẳng nói chẳng rằng, hai chị em tôi lầm lũi ra bờ ao, phía có bụi tre gai chắn trước cửa căn hầm nửa nổi nửa chìm, đẩy nắp chắn cửa hầm và nhảy xuống.

Ánh trăng non đầu tháng nghiêng nghiêng rót xuống cuối căn hầm. Miền Bắc im tiếng súng cũng đã lâu nên một thời gian khá dài, căn hầm chỉ là nơi chúng tôi chơi trò trốn tìm vào những tối có trăng. Tôi áp má vào vách hầm, mùi đất ẩm nồng nồng, ngai ngái xộc vào mũi. Chợt thấy lòng nhói lên khi nghĩ đến việc cha tôi sẽ phá bỏ căn hầm này. Đã bao năm rồi, căn hầm gắn bó với tuổi thơ tôi. Nhà tôi ở cuối làng, cách trận địa tên lửa và trận địa pháo chỉ chừng hai cây số. Mỗi lần có máy bay Mỹ, tiếng còi ra-đa rú lên inh ỏi là chị em tôi phóng như bay xuống hầm. Có những đêm, tụi “giặc trời” đánh phá nhiều lần, vừa dứt loạt bom, ngóc cổ lên khỏi hầm lại đã nghe tiếng phản lực rèn rẹt trên đầu. Vậy mà giờ đây cha tôi định phá hầm!

…42 năm đã trôi qua, làng tôi không còn lại dấu tích nào của những ngày bom đạn. Những người thuộc thế hệ cha, chú tôi chẳng nói làm gì, nhưng còn thế hệ từng phải nằm hầm tránh đạn, từng thuộc quy luật bắn phá của máy bay Mỹ, từng thổn thức khi căn hầm trú ẩn bị phá bỏ và cay cay nơi sống mũi khi chiếc mũ rơm được ném cho bò ăn như lũ trẻ làng tôi ngày ấy thường có một cảm giác khó tả vào những ngày cuối tháng Tư này.

Tôi vẫn nhớ những gương mặt bạn bè, người thân thiếu đi sau mỗi đợt máy bay Mỹ bắn phá làng quê.

Tôi vẫn nhớ những vành khăn trắng trên đầu những đứa trẻ mất cha, mất mẹ phải chuyển thành mảnh băng đen trước ngực để chúng không trở thành “mục tiêu di động”.

Tôi vẫn nhớ bộ dạng cha tôi cùng những người đàn ông, đàn bà trong làng ngày ấy khi nghe tin Miền Nam toàn thắng.

Và trong tôi lại tràn đầy niềm xúc cảm Tháng Tư!

Linh Tâm

  • Từ khóa
17781

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu