Thứ 6, 19/04/2024 05:06:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:35, 15/09/2016 GMT+7

Nhớ mùi hạt bưởi cháy đêm trăng rằm tháng 8

Nguồn Depplus
Thứ 5, 15/09/2016 | 14:35:00 1,218 lượt xem
BPO - Tết Trung thu bao giờ cũng là ngày được đám trẻ nhỏ háo hức chờ đón và có lẽ đối với chúng ngày này còn quan trọng hơn cả ngày Tết Nguyên đán.

Thời còn nhỏ khi đã bắt đầu biết đến ý nghĩa của ngày Tết Trung thu, tôi cũng nhận thấy sự khác biệt giữa ngày Tết dành cho trẻ con này của những gia đình dư dả và gia đình công nhân. 

Với nhà có điều kiện, trẻ nhỏ nhà ấy được mua cho đủ thứ từ đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù, đầu sư tử, mặt nạ … và một mâm cỗ có bưởi, có hồng ngâm, hồng đỏ, na… cùng bánh nướng bánh dẻo.

Còn với trẻ con nhà công nhân, thường không có nhiều đồ chơi và mâm cỗ cao đầy. Nhưng ở cái thời khó khăn ấy, trẻ con lại rất yêu quý và đoàn kết với nhau. Chúng biết rủ nhau nhặt và để dành những hạt bưởi, bóc vỏ, dùng dây đồng xâu lại, phơi khô để đến ngày Trung thu. 

Rồi vào cái đêm Trung thu, trăng tròn vành vạnh, đường làng, ngõ xóm cũng dường như sáng hơn bởi ánh trăng đêm rằm, chúng tụ tập lại cùng nhau bày mâm cỗ Trung thu của mình. Ai có gì góp nấy, đứa có bánh nướng, đứa có bánh dẻo, người có bưởi, người góp hồng. Có đứa chẳng có bánh trái gì thì góp vui bằng những xâu hạt bưởi phơi khô hay những dây xúc xích bằng giấy thủ công xanh đỏ hoặc cái mặt nạ, cái trống con…

Sau giờ cơm tối là đám trẻ chạy quanh xóm gọi nhau í ới, mỗi người một việc chỉ loáng cái là mâm cỗ Trung thu của đám trẻ được bày xong, cũng có bánh có quả, có nến có đồ chơi như ai nhưng là mâm cỗ chung đơn giản và đẹp vô cùng trong mắt của đám trẻ con thời ấy.

Thắp nến, trò chuyện, trêu đùa rồi đốt những dây hạt bưởi đã được phơi khô cả tháng trời, hò reo trong tiếng cháy xè xè, tí tách và mùi hăng hắc của tinh dầu trong hạt bưởi. Mấy đứa con trai còn nghĩ ra trò thi xem dây hạt bưởi của ai cháy lâu hơn hay rủ nhau đi quanh xóm xem mâm cỗ Trung  thu của ai đẹp nhất, nhiều đồ nhất, cũng có khi chúng chạy theo đoàn múa sư tử sau khi phân công một đứa ở nhà trông mâm cỗ.

Khi đùa vui chán rồi chúng bắt đầu cùng nhau phá cỗ. Bánh nướng bánh dẻo được cắt làm 8 phần, hoa quả được bổ đều để ai cũng được ăn. Có năm bánh không đủ cho cảđám, mỗi đứa sẽ chỉ được chọn loại bánh mình thích ăn. 

Hai chị em gái nhà tôi, đứa thích bánh nướng, đứa thích bánh dẻo nên không phải giành của nhau bao giờ nhưng cũng chưa lần nào chúng tôi chia nhau cho người kia ăn bánh của mình. Đến giờ nghĩ lại chuyện đó mà hai chị em vẫn buồn cười vì tính trẻ con của mình. 

Cuộc sống thay đổi, đám trẻ con ngày ấy giờ đều đã thành bố mẹ, có thể mang đến cho các con của mình những Tết Trung thu đầy đủ hơn nhưng cái không khí đêm rằm ấm áp tình thân xóm giềng, tiếng reo hò trong tiếng trống múa sư tử khắp các nẻo đường xóm ngõ hay tiếng tí tách của hạt bưởi khô cháy không còn nữa. Trẻ con bây giờ có thể được mua đồ chơi quanh năm, những món đồ chơi phát sáng, phát nhạc khiến chúng thích thú nên đầu sư tử, đèn cù, đèn ông sao và nhiều đồ chơi mà thời nhỏ bố mẹ chúng ao ước, không phải là lựa chọn duy nhất của bọn trẻ cho ngày Tết Trung thu của mình.

  • Từ khóa
86574

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu