Thứ 6, 26/04/2024 01:53:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:19, 16/09/2017 GMT+7

Tản văn

Nhớ khói

Thứ 7, 16/09/2017 | 08:19:00 168 lượt xem

BP - Nghỉ lễ 2-9, bạn hẹn về Bình Dương chơi. Và để thêm phần thuyết phục, bạn bảo xuống nhé, bạn sẽ đưa đến một nơi thú vị. Và cái nơi thú vị ấy là đây. Một nhà hàng dân dã ven sông. Những cái chòi lợp lá dừa nước giống như những chiếc nơm sùm sụp trên đầu. Lối đi là những cây cầu nhỏ, phía dưới ì oạp nước. Và khói, mùi khói cay cay, nồng nồng của rơm rạ xộc lên khiến ai từng ngửi mùi khói bếp, khói đốt đồng phải nôn nả trong lòng. Chừng như thấy biểu cảm của tôi khi mùi khói nồng nàn sực nức, bạn hỏi “được không?”. Tôi gật đầu. Ít ra thì ở quán này, tôi được đánh thức cái cảm giác đã đánh rơi từ lâu. Đó là mũi khụt khịt và mắt cay cay vì khói.

Nước mình có đến mấy ngàn năm đun củi. Thật ngạc nhiên bởi cái thứ nguyên liệu nguyên thủy là củi gỗ người Việt mình sử dụng phổ biến từ xa xưa cho đến tận bây giờ. Cái bếp lửa của người Việt cũng đã trải qua rất nhiều thời kỳ. Ở nông thôn, nhiều vùng quê cho đến giờ vẫn đun nấu bằng rơm rạ. Vùng rừng núi thì đun bằng củi cành, lá. Còn ở thành phố, thời bao cấp, củi gỗ hiếm nên người ta chế ra chiếc bếp đun mùn cưa và trấu. Ở khu vực gần các nhà máy chế biến gỗ quốc doanh, muốn mua được mùn cưa phải có giấy giới thiệu. Nhiều cơ quan đăng ký mua với số lượng lớn rồi về phân phối lại cho cán bộ, công chức theo đầu nhân khẩu. Gặp hôm trời nồm hay gặp phải bao mùn cưa gỗ tươi, khói bếp xanh lè, vừa đun vừa ho sặc sụa. Dù ở nông thôn hay thành thị, một thời gian khá dài người ta đã quen với mùi khói bếp. Bếp có khói đồng nghĩa với việc cái bụng không phải kêu lên òng ọc vì đói.

Tôi sinh ra, lớn lên ở nông thôn nên từ rất bé đã gắn bó với mùi khói. Ngoài khói bếp, tôi còn rất nhớ mùi khói đốt đồng. Sau mỗi mùa gặt, từ những chân rạ còn thơm mùi nắng, từ những cọng cỏ khô vạc bờ ruộng, người nông dân thường vun lại để đốt. Khói ngún lên từ những vạt ruộng lẫn cả rạ tươi rạ khô tạo thành những vệt khói trắng bay ngoằn ngoèo trên cánh đồng. Đám con nít chăn trâu, bò thường hay vùi vào đống lửa khi thì con cua, con ốc, có khi là con dế mèn hay cà cuống rồi giành nhau cãi vã om sòm. Những đứa trẻ nông thôn khi đi xa thường mang theo ký ức về khói bếp, khói đốt đồng. Và tôi cũng thế. Khói là những phiến kỷ niệm đẹp và buồn. Khói bếp, khói đốt đồng, khói đốt lá cây trong vườn, khói chiều lãng đãng trên sông nước... là những hình ảnh đẹp thường được chuyển tải trong văn thơ, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh. Cho nên, ở một khía cạnh nào đó, khói cũng là một nhân vật. Người ta hay dùng hình ảnh một làn khói lam chiều trên mái rạ ẩm ướt chiều đông để khắc họa nỗi nhớ mong, sầu muộn.

Giờ thì có muôn hình vạn trạng bếp đun mà chẳng cái nào có khói nữa. Bây giờ, dù là nông thôn hay thành thị đều dùng bếp ga, bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò vi sóng có chế độ nướng, rồi nồi kho cá tự động bằng điện... Và vì không còn loại bếp nào có khói nên người ta lại thèm, nhớ khói. Đó chính là lý do để những người nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, mở các nhà hàng dân dã với các món nướng bằng rơm rạ. Thậm chí người ta còn thiết kế những tour du lịch miệt vườn để du khách tự xắn quần lội ruộng bắt cá và tự nướng để thưởng thức thành quả lao động của mình.

Một con cá lóc nướng, còn vương những vụn rơm cháy được đưa lên, kèm theo mớ lá mít non, sung, ổi. Bạn hít hà và đưa tay bóc lớp tro than còn dính trên thân cá. Bạn lóc một miếng cá, gói vào lá và đưa tôi. Miếng cá nướng ăn với lộc cây chát, chấm mắm cá trong cái chòi lá ở quán ven sông, đương nhiên là ngon rồi. Nhưng dường như với tôi, miếng cá ngon còn bởi tôi đã thưởng thức nó kèm theo nỗi nhớ: nhớ khói.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
93206

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu