Thứ 5, 28/03/2024 20:33:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 15:08, 26/12/2016 GMT+7

Nhìn lại tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của Facebook trong năm 2016

Nguồn TTXVN
Thứ 2, 26/12/2016 | 15:08:00 339 lượt xem
BPO - Facebook đã có một năm bận rộn trong năm 2016. Họ đã giới thiệu chatbot trong ứng dụng Messenger, xác định lại Instagram như một đối thủ cạnh tranh của Snapchat, và góp phần phổ biến thực tế ảo với kính VR Oculus.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Nhưng khi tất cả những điều này đang diễn ra, Facebook cũng đã trở thành một trong những công ty truyền thông mạnh nhất hành tinh. Khi mà hơn 1 tỷ người tìm đến trang web này để xem tin tức, tầm ảnh hưởng của nó đối với thế giới là không thể phủ nhận. Với video trực tiếp, cuộc bầu cử tổng thống và bê bối tin tức giả mạo sau đó, tác động của Facebook đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong năm 2016.

Mặc dù ra mắt sau Periscope và Meerkat hẳn 1 năm, song Facebook Live hiện đang là tên tuổi nổi bật nhất trong số các dịch vụ video di động trực tiếp. Một phần lý do cho thành công của nó là tên tuổi uy tín của Facebook, nhưng phần nhiều cũng là do công ty này đã thúc đẩy Facebook Live một cách rất tích cực. 

Ngay từ đầu, người dùng đã có thể phát sóng và xem các video trực tiếp ngay trên ứng dụng chính mà không cần tải thêm phần mềm bổ sung. Hơn nữa, Facebook cũng đã không ngại trả tiền cho các kênh tin tức và các công ty truyền thông sử dụng dịch vụ video trực tiếp của mình. Điều này đã mang lại nhiều trọng lượng hơn cho dịch vụ của họ, cũng như đem lại cơ hội quảng bá lớn. Vài tháng sau, Facebook dành cho Live phần khám phá riêng trong ứng dụng, qua đó đẩy mạnh hơn nữa sự phổ biến của nó.

Từ đó trở đi, các đoạn video trên Facebook Live đã được lan truyền mạnh mẽ. Candace Payne đã phát đi một đoạn video quay cảnh cô đeo một chiếc mặt nạ Chewbacca - một đoạn video hết sức bình thường - và chỉ trong một thời gian ngắn, clip này đã có hơn 140 triệu lượt xem. Sự kiện khiến CEO Facebook Mark Zuckerberg đã mời cô tới văn phòng của công ty và cô cũng đã xuất hiện trên nhiều chương trình như "Good Morning America" và "The Late Late Show with James Corden."

Video di động trực tiếp đã một lần nữa lên trang nhất sau đó vài tháng khi các đảng viên đảng Dân chủ Mỹ sử dụng Facebook Live cũng như Periscope để phát trực tiếp cuộc biểu tình ngồi của họ. Việc này đã cho thấy rằng video trực tiếp không nhất thiết phải là về những quả dưa hấu nổ tung hay mặt nạ Chewbacca. Nó cũng có thể là một cách để phát sóng các sự kiện tin tức thay cho những kênh truyền thống. 

Thật không may là video trực tiếp cũng có mặt tối của nó. Ít nhất một vài vụ cảnh sát nổ súng đã được ghi lại trên Facebook Live: một ở Chicago, xảy ra với Antonio Perkins, và một video khác ở Falcon Heights, Minnesota, xảy ra với Philando Castile. 

Video thứ hai đã nhanh chóng bị xóa đi sau đó do một "trục trặc", theo thông tin từ Facebook, tuy nhiên đã sớm được đăng lại, kèm theo đó là cảnh báo bạo lực. Facebook Live cũng đã được sử dụng để phát sóng cảnh sát hại một số sĩ quan cảnh sát Dallas trong một cuộc biểu tình trước những vụ nổ súng nói trên.

Dù xấu hay tốt, rõ ràng Facebook Live là một công cụ bổ sung trong việc phát tin tức. Thật vậy, Facebook thậm chí đã hợp tác với ABC để đưa tin trực tiếp đại hội toàn quốc của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa Mỹ, để người sử dụng có thể biết điều gì đang diễn ra mà không cần bật TV lên. 

Facebook thậm chí còn xem xét việc phát sóng các chương trình có kịch bản và các trận đấu thể thao trên nền tảng này. Đây là những bằng chứng cho thấy công ty này có động lực truyền thông mạnh mẽ hơn ta tưởng.

Tất cả những điều này ăn khớp với vai trò ngày càng gia tăng của Facebook trong việc phổ biến tin tức. Mặc dù Zuckerberg tiếp tục phủ nhận điều đó, song Facebook có tất cả các dấu hiệu của một công ty truyền thông. 

Dĩ nhiên, trang web này không sản xuất bất kỳ nội dung nào, song hàng triệu người dùng lại sử dụng nó hàng ngày để lấy thông tin. Một nghiên cứu của Pew Research được công bố trong năm nay đã cho thấy rằng khoảng 44% người Mỹ hiện giờ coi Facebook như nguồn tin tức chính của họ. 

Với việc nhiều tổ chức truyền thông đã hợp tác với công ty này để sản xuất ra các "bài viết tức thời" - những câu chuyện được lưu trữ trên máy chủ của Facebook thay vì máy chủ của họ - rõ ràng công ty này ít nhất đã nhận thức được vai trò của mình như một trung tâm tin tức. 

Còn về bằng chứng rằng Facebook thực sự là một "trọng tài" truyền thông, hãy xem xét thời gian thuật toán của nó tự động kiểm duyệt bức ảnh "em bé napal" mang tính biểu tượng vì lý do có nội dung khỏa thân. Sau khi nhận ra tầm quan trọng của bức ảnh, công ty đã cho đăng lại và giải thích rằng các thuật toán khó phân biệt được giữa khiêu dâm trẻ em và một bức ảnh có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa. 

Công ty này cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự đối với video trực tiếp: Khi nào bạo lực là được cho phép? Đây là những câu hỏi mà các công ty công nghệ truyền thống không phải trả lời, nhưng các công ty truyền thông thì có.

Ngoài ra, vào đầu năm nay ta cũng đã biết rằng Facebook đã sử dụng một nhóm biên tập viên để quản lý danh sách các chủ đề đang được quan tâm mà bạn có thể nhìn thấy ở phía bên phải Bảng tin của bạn. Rõ ràng điều này chỉ ra một mức độ ra quyết định mang tính biên tập, bất chấp những lời phản bác của Facebook. Cũng đã có những nhà phê bình nói rằng đội ngũ biên tập viên này đang trấn áp tin tức bảo thủ để ủng hộ cánh tả.

Sau đó, vào tháng 8, Facebook đã giải tán gần hết đội ngũ này, để cho các chủ đề được quan tâm được lựa chọn dựa trên các thuật toán. Điều không may là chỉ vài ngày sau, thuật toán đã đưa một tin tức giả mạo về Megyn Kelly lên hàng đầu. Mấy tháng tiếp theo, một câu chuyện mang màu sắc thuyết âm mưu về vụ khủng bố 11-9 cũng đã xuất hiện ở mục chủ đề được yêu thích. 

Vì thuật toán của Facebook thường ưu tiên cho những câu chuyện có đông người quan tâm - những câu chuyện được nhiều like (thích) và các cú nhấp chuột từ độc giả​ sẽ nổi lên trên - các bài viết với tiêu đề giật gân, thậm chí là tin tức giả, sẽ luôn trở lên nổi bật. Bất chấp các nỗ lực của Facebook nhằm hạn chế các câu chuyện như vậy, chúng vẫn tiếp tục xuất hiện.

Tin tức giả sẽ tiếp tục làm tổn hại tới danh tiếng của Facebook trong phần lớn năm nay, đặc biệt là sau khi có tin đồn tin tức giả xuất hiện trên mạng xã hội này đã có tác động lên kết quả của cuộc bầu cử Mỹ. Facebook đã buộc phải tuyên bố mạng xã hội này đang nỗ lực thực hiện các biện pháp xóa bỏ tin tức giả, chẳng hạn như cắt đứt quảng cáo với các trang có tin tức giả, khiến cho các trang này dễ phát hiện hơn và cho những người kiểm tra độc lập vào cuộc.

Khi ngày càng có nhiều người tìm đến Facebook như một nguồn thông tin, đã đến lúc công ty cần đảm nhiệm vai trò như một tên tuổi truyền thông nghiêm túc hơn. Hiện nay Facebook phần lớn dựa vào trí tuệ nhân tạo và các thuật toán để lọc nội dung. Nhưng nay thì tình hình đã rõ, rằng mạng xã hội này vẫn cần tới sự can thiệp của con người, để đánh giá điều gì thật, điều gì giả. 

Do tin tức giả có nguy cơ tạo ảnh hưởng tiêu cực khổng lồ, Facebook cần nhận trách nhiệm như một trọng tài truyền thông một cách nghiêm túc hơn nhiều.
  • Từ khóa
96261

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu