Thứ 7, 20/04/2024 02:42:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:28, 07/03/2013 GMT+7

Đời như tầm gửi

Thứ 5, 07/03/2013 | 16:28:00 351 lượt xem

Những ngày cuối năm, ai nấy đều tất bật hoàn thành nốt phần việc còn dang dở để chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc. Thế nhưng, đối với những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo thì tết dường như chẳng có ý nghĩa gì. Cuộc sống của họ coi bệnh viện như căn nhà thứ hai của mình.

Bài 1 Những phận đời cơ cực

CUỘC SỐNG MONG MANH

Dưới cái nắng gay gắt giữa mùa khô, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Tâm (1956) ở ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú). Từ trung tâm thị trấn men theo con đường sỏi đỏ chạy vào khoảng 3km, căn nhà nhỏ gọn nằm nép mình giữa bạt ngàn cao su. Gặp khách, người con dâu của bà Tâm nhanh nhẹn rót nước mời.

Ông Sỹ sắp thuốc cho vợ uống

Trước khi phát hiện bệnh, bà Tâm ở với vợ chồng người con trai thứ ba. Để tiện cho việc điều trị bệnh, bà Tâm đã chuyển đến thuê trọ ở gần bệnh viện cùng với vài bệnh nhân khác. Người con dâu của bà Tâm kể: Vào tháng 6-2012, sức khỏe của bà yếu đi trông thấy, qua thăm khám nhiều lần phát hiện bà bị suy thận giai đoạn cuối. Đến Bệnh viện Đa khoa Bình Phước chữa trị nhưng do hết máy chạy thận nên bà phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) điều trị một thời gian và hiện nay đang điều trị tại bệnh viện Quân đoàn IV (Bình Dương).

Mẹ bị bệnh, hoàn cảnh nghèo khó, người con trai thứ ba Lê Tiến đành phải vay ngân hàng 30 triệu đồng và mượn tiền của người thân để lo cho mẹ. Bà Tâm được giảm viện phí nhờ có bảo hiểm y tế tự nguyện nhưng các khoản tiền như máy điều trị, thuốc men, sinh hoạt... mỗi tháng hết 7 triệu đồng. Nhà ở xa, các con lại khó khăn nên bà Tâm tự vào viện để chạy thận mỗi tuần 3 lần. Căn bệnh hiểm nghèo không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn làm cho bà Tâm suy sụp tinh thần, sợ làm khổ các con. Chữa trị một thời gian, số tiền vay được cũng hết, giờ đây anh Tiến lại còng lưng làm đủ nghề từ làm rẫy đến sửa chữa xe gắn máy, đổi bình gas, để có tiền chữa trị cho mẹ hằng tháng.

Rời gia đình bà Tâm, chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Văn Thịnh ở ấp Dên Dên cũng đang phải chạy thận nhưng ông không có nhà, nghe hàng xóm nói vợ chồng ông Thịnh đã khăn gói xuống Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Đến trưa, chúng tôi có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Thủy ở ấp 4, xã Minh Hưng (Chơn Thành) đúng vào giờ chuẩn bị bữa cơm trưa, thế nhưng bếp lửa của gia đình vẫn lạnh tanh. Khi chúng tôi hỏi thì bà Thủy cười trừ: “Còn đợi ông nhà tôi về nấu”. Bỏ dở công việc ngoài vườn tiêu cạnh nhà, ông Nguyễn Tiến Sỹ (chồng bà Thủy) phủi vội đôi tay rót chén trà mời khách và bắt đầu câu chuyện chạy thận của vợ. Bà Thủy phát hiện suy thận từ tháng 5-2010, lúc đó ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có máy chạy thận nên ông bà đành dắt díu nhau xuống Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Do không có thẻ bảo hiểm y tế nên chi phí cho một tháng chạy thận cùng với tiền ăn ở, sinh hoạt của ông bà hết khoảng 8,4 triệu đồng. Số tiền dành dụm bao năm đã hết, ông Sỹ đành bán 3 sào đất vườn được hơn 100 triệu đồng. Từ cuối năm 2011 đến nay, bà Thủy may mắn được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi tuần 3 lần, ông Sỹ lại chở vợ vượt gần 50km sang bệnh viện để chạy thận. Không người chăm sóc, vườn tiêu của gia đình cũng chết dần, nguồn lợi từ cây trồng coi như mất trắng. Từ một gia đình khá giả nay hộ ông bà lại rơi vào cảnh nghèo khó và được hỗ trợ chi phí điều trị theo diện hộ nghèo từ năm 2012.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện đi lại vất vả vì đường xa, bà Thủy nghẹn ngào: Tôi cũng tính ở trọ gần bệnh viện cho ông ấy đỡ khổ, nhưng ngặt nỗi sợ tốn kém đủ thứ nên đành chấp nhận đi về. Từ ngày tôi bị bệnh, mọi việc trong nhà, ông ấy lo hết.

TRỌN NGHĨA VẸN TÌNH

Đó là lời nhận xét mà mọi người trong và ngoài xóm trọ gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh dành cho bà Bùi Thị Sáu. Mỗi tuần 3 lần, hình ảnh bà Sáu tận tình đưa chồng là ông Nguyễn Văn Đa ở xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) đi bộ đến bệnh viện để chạy thận đã quá quen thuộc với những người dân sống gần đó. Từ năm 2011, khi phát hiện ông Đa bị bệnh, bà Sáu đã theo ông xuống Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm sóc. Đến đầu năm 2012, ông Đa được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị thì bà lại tận tình ngày ngày bên ông.

Bị căn bệnh hành hạ 2 năm qua, sức khỏe đã giảm sút rõ rệt nên nhìn ông Đa già hơn so với tuổi 67. Trong căn phòng trọ chật hẹp. Hằng ngày, bà Sáu tranh thủ dậy sớm đi bộ mua thức ăn tại chợ tự phát gần đó, rồi về nấu cho ông ăn. Ngày nào phải chạy thận thì bà nấu ăn sớm hơn để đúng 11 giờ 30 phút, ông Đa bắt đầu ca chạy thận kéo dài 4 giờ đồng hồ. Tiết kiệm chi phí sinh hoạt, bà Sáu tận dụng khoảnh sân vườn rộng trong khu nhà trọ để nấu bếp củi. Và chỉ trong hai năm điều trị, bà Sáu đã phải bán đi mảnh đất được hơn 120 triệu đồng cùng số tiền các con phụ giúp để chạy chữa cho ông. 2 ha điều đang độ thu hoạch, bà Sáu nhất quyết giữ lại để có nguồn chữa trị cho ông. Cũng nhờ ông Đa là thương binh hạng 2/4 nên được hưởng bảo hiểm hỗ trợ 100% chi phí điều trị.

Bà Sáu nói: Thời gian chạy thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tính cả tiền máy, thuốc men, ăn ở, sinh hoạt... mỗi tháng vợ chồng tôi hết khoảng 7-8 triệu đồng. Từ năm 2012 chuyển về bệnh viện tỉnh, cũng ở trọ nhưng chỉ hết hơn 2 triệu đồng/tháng, lại được gần nhà. Ở bệnh viện tỉnh có phòng lưu trú cho người chạy thận nhưng ở trên lầu cao, đi lại bất tiện và chật chội nên chúng tôi ra ngoài ở trọ. Tốn thêm ít tiền nhưng được tự do, không khí thoáng mát nên tinh thần của ông ấy cũng thoải mái, dễ chịu hơn.

Nhắc đến chuyện đón tết Nguyên đán, bà Sáu nhớ lại cái tết năm trước vào đúng ngày 29 sau khi chạy thận xong, ông bà về quê sum vầy cùng con cháu được 3 ngày thì sáng mồng 4 tết đã phải đi xe đò xuống thành phố tiếp tục chuỗi ngày chạy thận. Còn năm nay, cái tết lại càng ngắn hơn bởi lịch chạy thận của ông Đa đã tăng lên 3 lần/tuần, tức là cứ hai ngày phải chạy thận một lần. Như vậy, ông bà chỉ được nghỉ duy nhất ngày mồng Một, bởi sáng mồng 2 lại phải trở về căn nhà thứ hai - theo cách mà bà Sáu thường nói về bệnh viện.

Ngày xuân đang về, không chỉ riêng ông bà Đa mà còn rất nhiều người khác đang chạy thận lại thêm một lần không được hưởng cái tết trọn vẹn, sum vầy bên gia đình, người thân.                      

Hải Châu

  • Từ khóa
92183

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu