Thứ 5, 25/04/2024 14:17:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:36, 27/12/2018 GMT+7

Nhiều khó khăn trong bảo vệ môi trường ở Lộc Ninh

Thứ 5, 27/12/2018 | 07:36:00 1,688 lượt xem
BP - Theo phản ánh và ý kiến kiến nghị của nhân dân 2 xã Lộc Thành, Lộc Hưng (Lộc Ninh), trong thời gian qua, một số cơ sở, trang trại chăn nuôi heo, sản xuất gạch nung tại 2 xã này có nhiều biểu hiện gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vừa qua, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số cơ sở, trang trại nuôi heo, sản xuất gạch nung tại 2 xã mà nhân dân phản ánh, kiến nghị. Qua giám sát, khảo sát trực tiếp và làm việc với các ngành chức năng liên quan, việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh còn rất nhiều hạn chế, bất cập.

Nhiều vi phạm về môi trường đã được xử lý

Trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 55 trang trại nuôi heo (đang xây dựng và hoạt động) quy mô tập trung, thuộc thẩm quyền kiểm tra, quản lý của UBND tỉnh; 19 trang trại nuôi heo quy mô hộ gia đình thuộc thẩm quyền kiểm tra, quản lý của UBND huyện, xã, thị trấn; 2 cơ sở sản xuất gạch quy mô từ 100 triệu viên/năm trở lên thuộc thẩm quyền kiểm tra, quản lý của UBND tỉnh; 13 cơ sở sản xuất gạch quy mô dưới 100 triệu viên/năm thuộc thẩm quyền kiểm tra, quản lý của UBND huyện.

Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lã Thị Thu Hương, trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND huyện Lộc NinhPhó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lã Thị Thu Hương, trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND huyện Lộc Ninh

Trong năm 2017, huyện Lộc Ninh tổ chức kiểm tra 60 cơ sở, gồm trang trại nuôi heo của các tổ chức (theo kiến nghị của UBND xã), hộ gia đình, cơ sở thu mua mủ cao su, chế biến hạt điều, sản xuất gạch, lò đốt than... Qua kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở 89,25 triệu đồng, trong đó xử phạt 3 lò than củi vườn 5,25 triệu đồng, 1 trang trại nuôi heo 70 triệu đồng... Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh - kiểm tra, đánh giá phân loại 24 trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Lộc Ninh, kết quả có 24 trang trại đạt loại B; tổ chức tái kiểm tra các trang trại chăn nuôi loại B, loại C theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BTN&MT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra 15 dự án chăn nuôi heo trên địa bàn huyện, phát hiện 3 cơ sở vi phạm, xử phạt 346 triệu đồng. Sau xử phạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các cơ sở khắc phục, thực hiện đúng những nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

NhỮNG khó khăn, bất cập

Ông Nguyễn Tấn Phú, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật UBMTTQVN tỉnh, thành viên đoàn giám sát cho biết: Khi đoàn đến kiểm tra, khảo sát thực tế, hầu hết các chủ cơ sở chăn nuôi heo và sản xuất gạch ở 2 xã Lộc Thành, Lộc Hưng (đã có thông báo trước) đều vắng mặt, gây khó khăn cho việc khảo sát thực tế (như cơ sở chăn nuôi Huy Anh, Thành Công, xã Lộc Thành và cơ sở sản xuất gạch Ngân Trang, Hoàng Ân, xã Lộc Hưng). Theo quan sát của đoàn giám sát và phản ánh của một số hộ dân ở 2 xã Lộc Thành, Lộc Hưng, sinh sống cách cơ sở chăn nuôi heo, sản xuất gạch 500m cho biết: Các lò gạch đều gây ô nhiễm về khói bụi. Sáng sớm và chiều tối, mùi hôi thối nồng nặc từ các cơ sở chăn nuôi heo bốc lên rất khó chịu; nước thải chăn nuôi tràn ra ngoài, nhất là mùa mưa; có hiện tượng xả nước thải chưa qua xử lý xuống suối.

Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong thời gian qua chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường không có chiều hướng giảm; khi tỉnh tiến hành kiểm tra mà báo trước cho doanh nghiệp 1 tuần là không hiệu quả vì lúc đó doanh nghiệp đã xử lý, khắc phục; chưa thực hiện kiểm tra đột xuất để xử lý; việc kiểm tra, xử lý theo phản ánh của người dân còn chậm (khi đoàn đến kiểm tra thì doanh nghiệp đã xử lý).

Đối với một số cơ sở thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh, khi nhân dân phản ánh cơ sở có xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng khi huyện kiểm tra rất khó khăn vì phân cấp thẩm quyền và cơ sở ít hợp tác. Trừ trường hợp có bằng chứng cụ thể cơ sở mới phối hợp thực hiện.  

Thực tế do điều kiện nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, cơ sở còn khó khăn, việc tiếp cận công nghệ, biện pháp xử lý môi trường còn hạn chế nên một số cơ sở, trang trại thực hiện việc bảo vệ môi trường mang tính đối phó, gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; ý thức bảo vệ môi trường của cơ sở, trang trại và người dân chưa cao. Việc xử lý còn gặp khó khăn, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu chế tài cụ thể (một số trường hợp cơ sở vi phạm khi bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng không thực hiện việc nộp phạt vì không có tiền. Trường hợp này cơ quan chức năng không xử lý được vì chưa có chế tài đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt hành chính). Một số cơ sở sau khi xử lý vẫn không chấp hành khắc phục, như hộ ông Nguyễn Tiến Kiểng (ấp Cần Lê, xã Lộc Khánh), từ đó dẫn đến việc cử tri bức xúc phản ánh nhiều lần trong các đợt tiếp xúc cử tri.

Hiện nay, việc phát triển các dự án chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Lộc Ninh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân, đơn vị không trực tiếp thực hiện hoạt động chăn nuôi mà cho thuê lại trang trại để đơn vị khác (ngoài tỉnh) thực hiện nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Việc thu các loại thuế từ hoạt động chăn nuôi rất thấp, chủ yếu là thu tiền cho thuê đất. Loại hình chăn nuôi heo sử dụng nhiều nước và thải nhiều nước nên việc các cơ sở, trang trại thực hiện chưa tốt quy định về bảo vệ môi trường dẫn tới khả năng giảm lưu lượng nước ngầm, tăng nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước gần khu vực chăn nuôi. Quy trình sản xuất gạch của các cơ sở trên địa bàn huyện Lộc Ninh chủ yếu theo công nghệ cũ, lạc hậu, quá trình sản xuất phát sinh nhiều khí thải, trong đó có nhiều loại khí thải độc hại, bụi làm ảnh hưởng môi trường; việc chuyển đổi sang công nghệ mới, hiện đại hơn tốn chi phí rất lớn nên doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn chuyển đổi hoặc chậm chuyển đổi.

Một hạn chế khác là việc bố trí các dự án sản xuất gạch trên địa bàn Lộc Ninh chưa phù hợp vì chưa gắn với các vùng nguyên liệu (mỏ đất sét) dẫn đến tình trạng khai thác đất sét trái phép để bán cho các lò sản xuất gạch gây thất thoát tài nguyên, hủy hoại đất sản xuất. Mặt khác, trong quá trình vận chuyển (do lò sản xuất gạch xa vùng nguyên liệu) đã gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, hầu hết các cơ sở (13 cơ sở) chưa thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh. 

Phước Trọng

  • Từ khóa
47062

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu