Thứ 6, 29/03/2024 16:37:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:16, 11/07/2018 GMT+7

Nhiều hệ lụy vì tiêu chết hàng loạt

Thứ 4, 11/07/2018 | 13:16:00 4,547 lượt xem
BP - Cây hồ tiêu bị chết hàng loạt do bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm trên địa bàn tỉnh thời gian qua không còn là chuyện mới và Báo Bình Phước đã có các loạt bài phản ánh. Thế nhưng cho đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và thuốc đặc trị nên sâu bệnh diễn biến phức tạp. Đắk Ơ - xã đứng đầu huyện Bù Gia Mập về loại cây này với tổng diện tích lên đến hơn 1.540 ha, nhưng hiện có hơn 255 ha bị chết và con số này vẫn chưa dừng lại.

Mất phương hướng

Gia đình ông Vũ Đình Môn ở đội 3, thôn 10 có diện tích hồ tiêu lớn và đẹp nhất nhì xã Đắk Ơ với gần 3.000 nọc. Thế nhưng, từ tháng 7-2017 đến nay, hơn 1.500 nọc đã bị chết do bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm. Gần 15 năm gắn bó và khá lên nhờ cây trồng này nên “bỏ thì thương, vương thì nặng”, buộc ông Môn phải tái canh, dẫu biết số tiêu giống được lấy từ chính vườn tiêu của gia đình đang chết dần, chết mòn, nguy cơ nhiễm bệnh, tiềm ẩn rủi ro cao. 

Hơn 2.500 nọc tiêu của hộ anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) chỉ còn là bãi đất trống đang được thay thế bằng cây ăn trái

Tiếc công, xót của, ông Môn trồng dặm lại được nọc nào hay nọc đó. Riêng diện tích hồ tiêu đã bị chết hết, ông mua 100 cây mít không rõ nguồn gốc trồng vào thay thế với hy vọng nhanh cho thu hoạch để lấy ngắn nuôi dài. “Rủi ro cũng mặc kệ, không biết đầu ra thế nào, trồng đại cây mít nhanh được thu. 1.000 nọc tiêu chết nham nhở, tôi cũng liều xen cây khác vào” - ông Môn nói.

Dẫn chúng tôi ra vườn tiêu 5.000 nọc đang bị chết nham nhở, anh Nguyễn Văn Sơn, cùng ngụ thôn 10 ngậm ngùi chia sẻ, cách đây chưa đầy 2 năm, lúc vườn tiêu ở thời kỳ phát triển sung mãn, chưa nhiễm bệnh, có người đến trả 10 tỷ đồng, nhưng anh không bán. Thế rồi, năm 2017, hơn nửa diện tích hồ tiêu lần lượt bị chết và nay vẫn đang tiếp diễn. Thất bại với hồ tiêu, anh Sơn vay ngân hàng 2,5 tỷ đồng để tái tạo, phục hồi vườn bằng cách chuyển sang trồng bưởi, sầu riêng. Giá cây giống cao ngất ngưởng, nguồn gốc không rõ ràng, nhưng anh không còn lựa chọn nào khác và đang mong chờ ngân hàng cho khoanh hoặc giãn nợ, giảm lãi suất.

Tiêu chết nhưng không trồng lại loại cây này mà chuyển sang trồng sầu riêng cũng là lựa chọn của gia đình chị Lê Thị Ninh, ngụ thôn Đắk U. Kinh tế của chị Ninh chỉ trông chờ vào 1.500 nọc tiêu, nhưng năm 2017, bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm đã làm vườn tiêu của gia đình gần như bị xóa sổ. Vài chục nọc còn lại đang chết dần, chết mòn. Thấy người ta trồng sầu riêng, vợ chồng chị Ninh cũng đi vay nóng 200 triệu đồng với lãi suất cao để trồng thay thế. Ước tính, 5-7 năm nữa vườn cây mới cho thu hoạch, để có cái ăn hằng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê.

Cạnh vườn nhà chị Ninh là vườn tiêu mới tái canh 700 nọc của anh Lê Tiến Long, sau khi một phần diện tích lớn đã bị chết. Nguy cơ lây nhiễm bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu không thể tránh khỏi nhưng anh Long không còn sự lựa chọn nào khác. “Đất ít, đang nợ ngân hàng, nếu không trồng lại tiêu tôi cũng không biết trồng cây gì khác” - anh Long ngậm ngùi.

Nhiều hệ lụy khó lường

Ông Vũ Đức Duy, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho biết: 2 năm qua, tiêu trong xã chết hàng loạt do thời tiết bất lợi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trôi nổi... Xã đã tuyên truyền người dân cách phòng tránh và kiến nghị ngân hàng khoanh nợ cho số hộ có tiêu bị chết nhiều. Đồng thời khuyến cáo nông dân thận trọng khi chuyển đổi cây trồng, đề xuất ngành nông nghiệp tổ chức ngay các lớp tập huấn cho bà con, đảm bảo cây phát triển hiệu quả hơn. Thế nhưng, cho đến nay các kiến nghị cũng chỉ mới được tiếp thu, ghi nhận, còn bệnh trên cây tiêu vẫn âm ỉ, tiếp diễn do chưa có thuốc và phương pháp đặc trị.

Ông Vũ Đình Môn ở thôn 10, xã Đắk Ơ vẫn kiên trì ươm tiêu giống từ vườn tiêu đã nhiễm bệnh của gia đình

Hơn nữa, việc đi sâu, đi sát để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Từ khi tiêu chết đến giờ không thấy ai tư vấn. Tôi đã kiến nghị, làm đơn ra xã nhưng chưa thấy phản hồi” - anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10 cho biết. Trong khi đó, bà Thiều Thị Tập, Chi hội trưởng nông dân thôn Đắk U phàn nàn: “Qua các cuộc họp, tôi có đề nghị ngành chức năng đi thực tế thống kê giúp dân khắc phục, nhưng chưa thấy động thái gì. Quyền lợi không được đáp ứng, hiện có hơn 20 hội viên trên tổng số 120 hội viên của chi hội xin ra khỏi hội”.

Điều cần thiết nhất lúc này đối với các hộ có cây hồ tiêu bị chết như ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và nhiều xã thuộc huyện Bù Đốp là sớm được ngân hàng cho khoanh nợ hoặc giảm, giãn nợ. Thế nhưng, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Vũ Đức Duy cho biết, các ngân hàng thương mại đòi hỏi điều kiện địa phương phải công bố dịch bệnh trên cây tiêu thì mới khoanh hoặc giảm, giãn nợ. Trong khi đó, ngành chức năng cho rằng, muốn công bố dịch bệnh trên cây tiêu thì loại cây trồng này phải được trồng theo đúng quy hoạch của địa phương! Câu trả lời xin được nhường lại các cấp, ngành chức năng. Chỉ biết rằng, ngay lúc này, hồ tiêu - một trong những cây trồng chủ lực, chiến lược được người dân tại nhiều địa bàn trong tỉnh chọn lựa để phát triển kinh tế đang chịu nhiều rủi ro, vừa tiếp tục chết do sâu bệnh vừa bị rớt giá thê thảm. Tái nhiễm bệnh trở lại; được mùa mất giá, được giá mất mùa; trồng - chặt, chặt - trồng; cây giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ra hoa, đậu trái khi đến thời kỳ thu hoạch... vẫn quanh quẩn với người trồng tiêu.

Quốc Phong

  • Từ khóa
94409

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu