Thứ 6, 26/04/2024 03:53:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 16:03, 06/02/2016 GMT+7

Nhiều băn khoăn sau 3 năm thực hiện mô hình trường học mới

Thứ 7, 06/02/2016 | 16:03:00 785 lượt xem
BP - Sau 3 năm thí điểm mô hình trường học mới (VNEN), bước đầu đã nâng cao kết quả học tập của học sinh, tạo sự tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là thay đổi cách dạy, cách học truyền thống cho cả giáo viên và học sinh, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, khi triển khai ở lớp 6 và những năm tiếp theo, nhiều giáo viên, nhà quản lý rất băn khoăn.

Ngày 27-1, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cùng đoàn công tác đã có buổi hội thảo về mô hình trường học mới cấp tiểu học và THCS tại Bình Phước. Đoàn công tác đã trao đổi với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường về vấn đề chuyên môn, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mô hình trường học mới ở cấp tiểu học và THCS.

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

Mô hình VNEN là dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ hỗ trợ giáo dục toàn cầu triển khai tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là mô hình tổ chức trường học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm trung tâm. Bình Phước hiện có 28 trường tiểu học tham gia mô hình VNEN năm học 2012-2013 với 106 lớp, 3.290 học sinh. Đến năm học 2015-2016 phát triển thành 447 lớp, 13.876 học sinh. Trên cơ sở nối tiếp mô hình VNEN cấp tiểu học, năm học 2015-2016, Bình Phước thí điểm mô hình VNEN cho học sinh lớp 6 có 24 trường THCS tham gia, gồm 91 lớp, 2.980 học sinh và 375 giáo viên giảng dạy.

Mô hình trường học mới giúp học sinh nâng cao tinh thần tự giác học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm

Đánh giá chung của các trường tiểu học khi triển khai mô hình trường học mới, học sinh nâng cao được tinh thần tự giác và tự tin trong học tập, phát huy năng lực tự học. Các em còn được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm và mạnh dạn đưa ra ý kiến trước đám đông. Ngoài tăng tính tự chủ của học sinh, rèn luyện kỹ năng học tập theo nhóm, mô hình VNEN cũng phù hợp với việc nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là bỏ việc chấm điểm thay bằng nhận xét.

Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh qua mô hình trường học mới không những theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục mà còn chú trọng đến việc đánh giá quá trình học tập, hoạt động giáo dục và sự tiến bộ, sự hình thành và phát triển năng lực của từng em.

THIẾU CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

Khó khăn lớn nhất mà ngành giáo dục và đào tạo đang gặp phải là thiếu cơ sở vật chất. Thực hiện mô hình VNEN đòi hỏi các trường phải dạy 2 buổi/ngày, trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa thể đáp ứng. Chương trình mới chỉ phù hợp với lớp khoảng 20 học sinh, trong khi mỗi lớp có tới 35-40 em. Hơn nữa, diện tích các lớp học mới chỉ rộng khoảng 48m2 nên khó sắp xếp theo mô hình. Thiếu kinh phí, dụng cụ và phương tiện dạy học, việc cấp tài liệu hướng dẫn học tập còn chậm, đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian để giúp các em làm quen với cách học mới.

Khó khăn nữa là học sinh học theo mô hình VNEN có sách giáo khoa riêng nên tài liệu tham khảo hiện chưa đáp ứng được việc dạy học. Giáo viên chưa được tập huấn nhiều nên còn lúng túng trong giảng dạy. Không có kinh phí hỗ trợ cho chương trình dạy học mới nên giáo viên phải tự trang bị đồ dùng. Đối với bậc THCS, mô hình triển khai muộn, nhiều phụ huynh đã mua sách giáo khoa chương trình cũ, khi áp dụng chương trình mới lại phải mua thêm sách mới. Trong khi đó, giá một bộ sách giáo khoa theo chương trình mới khoảng 400 ngàn đồng, cao gần gấp đôi so với chương trình truyền thống nên những gia đình kinh tế khó khăn càng thêm lo lắng.

GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LO LẮNG

Tại hội thảo, cô Phạm Thị Thanh Hương, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hớn Quản cho rằng: Để thay đổi cách học, cách dạy truyền thống đã gặp không ít khó khăn do giáo viên chưa có kinh nghiệm, học sinh chưa quen với phương pháp học mới, cơ sở vật chất không phù hợp. Nhưng khi bắt tay vào làm việc, thầy trò và phụ huynh học sinh đều hào hứng. Cấp tiểu học hiện có 3 trường thực hiện mô hình trường học mới, 6 trường đang triển khai đều đạt kết quả khả quan. Nhiều em tỏ ra rất hào hứng trong học tập, tự tin khi trao đổi nội dung bài học với bạn và thầy cô giáo. Các em đã chủ động phối hợp với nhau trong việc phát hiện và tìm kiếm tri thức, mạnh dạn trình bày chính kiến về vấn đề mà giáo viên đặt ra. Đặc biệt, một số em đã biết vận dụng kiến thức vào thực tế.

Sau một học kỳ triển khai ở lớp 6, năm học 2015-2016, số học sinh hoàn thành kết quả các môn học chiếm 62,9%; học sinh đạt phẩm chất đạo đức chiếm 92,7%; học sinh chưa hoàn thành kết quả các môn học là 37,1% và 34,8% hạn chế về năng lực. Kết quả này thấp hơn so với phương pháp truyền thống.

Cô Huỳnh Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chơn Thành A, huyện Chơn Thành lo lắng: Với cách sắp xếp theo mô hình VNEN, học sinh ngồi theo nhóm, quay vào nhau và hai em ngồi chung một ghế. Khi giáo viên viết bảng, các em phải “vặn” người quay lại để nghe, chép. Ngồi học trong tư thế như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương của các em.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Thác Mơ, phường Thác Mơ (Phước Long) thắc mắc: 4 năm nữa, khi học sinh học mô hình VNEN lớp 6 hiện nay học xong lớp 9 và thi tuyển vào lớp 10, bộ sẽ ban hành kế hoạch hướng dẫn thi, ra đề như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho những học sinh học chương trình. Học theo mô hình VNEN, học sinh có thể làm bài thi tốt như các em không học mô hình VNEN không?; việc tham gia kỳ thi THPT quốc gia đối với học sinh học theo mô hình VNEN những năm tới như thế nào? Từ lo lắng này, một số phụ huynh không đồng tình ủng hộ và đã làm đơn xin chuyển trường cho con.

Ngoài các câu hỏi đặt ra tại buổi hội thảo, các trường không về dự cũng tổng hợp thắc mắc, mong được giải đáp như: Nếu áp dụng mô hình này cho các khối lớp tiếp theo (khối 7, 8, 9) liệu cơ sở vật chất có đáp ứng?; trong quá trình giảng dạy, giáo viên có chốt được kiến thức?; việc sắp xếp phòng học không nhất thiết phải bố trí ngồi theo nhóm, tránh ảnh hưởng đến mắt của học sinh; nếu đang áp dụng dạy thử nghiệm thấy không đảm bảo có xin bỏ được không?...

Cũng tại hội thảo, đại diện Vụ Giáo dục tiểu học, THCS đã giải đáp những thắc mắc về chuyên môn và hướng dẫn một số kỹ năng tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo mô hình, giúp cán bộ quản lý và giáo viên tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Mô hình trường học mới có 2 điểm khác với trường học cũ, đó là giáo viên và học sinh bình đẳng trên cơ sở giáo viên là người chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, học sinh tự học; quy trình dạy học trong mô hình trường học mới luôn xuất hiện tình huống có vấn đề, giúp học sinh phát huy khả năng tư duy, không đánh giá cao điểm số; phát huy sự năng động, trách nhiệm của giáo viên. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, chắc chắn không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn. Để mô hình VNEN đạt hiệu quả cao, các trường cần khắc phục khó khăn, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện, tạo sự đồng thuận trong giáo viên, phụ huynh, học sinh nhằm từng bước đổi mới toàn diện nền giáo dục.

Ngân Hà

  • Từ khóa
85725

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu