Thứ 5, 25/04/2024 17:02:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:52, 03/10/2013 GMT+7

Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội

Thứ 5, 03/10/2013 | 08:52:00 168 lượt xem

* Điều 57 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) là những chế định quy định về các loại tài nguyên là tài sản quốc gia và thẩm quyền quản lý đối với các loại tài nguyên. Nội dung của Điều 57 như sau: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.

Với những quy định trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cần làm rõ khái niệm “nhà nước” là ai, cơ quan nào? Vì nếu quy định như vậy tôi thấy còn chung chung, vừa không cụ thể, vừa khó hiểu. Hơn nữa, nếu chiếu theo quy định của một số điều cũng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì quy định trên có sự chồng chéo và không thống nhất giữa các điều. Cụ thể là theo Điều 74 sửa đổi, bổ sung Điều 83 có quy định như sau: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Như vậy, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nên cơ quan đại diện chủ sở hữu phải là Quốc hội chứ không phải là Nhà nước nói chung.

Mặt khác, Điều 101 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quy định về những nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và ở Khoản 4 có quy định như sau: 4. Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước;... Như vậy, Chính phủ có nhiệm vụ quản lý và đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nên cơ quan thống nhất quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân lại là Chính phủ chứ không phải là Nhà nước nói chung.

Vì vậy tôi đề nghị Hiến pháp cần hiến định rõ việc giao quyền đại diện chủ sở hữu đất đai cho Quốc hội (như Chủ tịch Hội đồng quản trị), còn Chính phủ quản lý (như tổng giám đốc). Cụ thể, Điều 57 tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Quốc hội đại diện chủ sở hữu và Chính phủ thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.

* Điều 75 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) là một trong những điều dài nhất, gồm 15 khoản, là các quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Ở Khoản 4 của Điều 75 có nội dung như sau: 4. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước;... Với quy định quá cụ thể như trên làm cho người đọc có suy nghĩ dường như nhiệm vụ của Quốc hội được tập trung quá nhiều vào lĩnh vực tài chính, tiền tệ với từng lĩnh vực khá chi tiết, cụ thể như: quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước...

Trong khi đó, một vấn đề cực kỳ quan trọng là mối quan hệ giữa nhiệm vụ của Quốc hội với trách nhiệm của Chính phủ về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước lại được nêu quá ngắn gọn, nhưng thiếu cụ thể ở Khoản 3, với nội dung như sau: 3. Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;... Với nội dung được quy định tại Khoản 3 như trên thì nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội lại không được quy định cụ thể như chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, các lĩnh vực, các vùng lãnh thổ và địa phương. Sự thiếu cụ thể đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến không phân định rõ mối quan hệ trong sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa Quốc hội và Chính phủ.

Vì vậy, tôi đề nghị ở Khoản 3, Điều 75 cần được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 3. Quyết định chiến lược, mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển công nghiệp hóa trong từng lĩnh vực trọng điểm; phát triển kinh tế - xã hội vùng và của đất nước;...

Văn Lâm (Đồng Phú)

  • Từ khóa
108262

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu