Thứ 4, 24/04/2024 10:27:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 21:43, 16/08/2012 GMT+7

Nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với GDTX

Thứ 5, 16/08/2012 | 21:43:00 127 lượt xem

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Văn bản số 5297/BGDĐT-GDTX gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục thường xuyên.

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ đối với GDTX trong năm học 2012-2013 như sau:

Về nhiệm vụ chung: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập (XHHT); thực hiện có hiệu quả việc xây dựng XHHT từ cơ sở; tập trung củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm GDTX và trung tâm HTCĐ theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; tăng cường nền nếp, kỷ cương, hiệu quả hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các cơ sở GDTX để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên của ngành và tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và người lao động; đa dạng hóa nội dung, chương trình và hình thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của mọi người; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học; đổi mới công tác quản lý, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong các hoạt động chuyên môn; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và nghiên cứu; nâng cao hiệu quả công tác chống mù chữ.

Các giải pháp cụ thể: Chỉ đạo các cơ sở GDTX lựa chọn chủ đề thiết thực, hình thức phù hợp để triển khai nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức, thái độ và hành vi của cán bộ, giáo viên, học viên. Chỉ đạo các cơ sở GDTX tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, về đạo đức nhà giáo; thực hiện đánh giá khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên: Tích cực tham mưu cho lãnh đạo địa phương xây dựng và phát triển các trung tâm GDTX theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ: GDTX - hướng nghiệp - dạy nghề. Chủ động lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên của trung tâm GDTX. Chọn, cử giáo viên có đủ năng lực tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về giáo dục kỹ năng sống để tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, người lao động. Tổ chức điều tra, nắm vững nhu cầu học tập của người dân; chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức và người lao động trên địa bàn, cụ thể là: Phối hợp với sở/phòng nội vụ để tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp xã; Phối hợp với sở/phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; Phối hợp với sở/phòng y tế để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về sức khỏe cộng đồng, phòng chống bệnh tật...; Liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học và mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đối với trung tâm học tập cộng đồng: Chỉ đạo các phòng GD-ĐT chủ động tham mưu với các cơ quan chức năng để phối hợp kiện toàn, xây dựng mô hình trung tâm HTCĐ hoạt động theo hướng kết hợp với nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện xã…; tăng cường huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện hoạt động cho các trung tâm HTCĐ. Kiện toàn các ban quản lý, xây dựng đội ngũ các báo cáo viên, hướng dẫn viên nòng cốt trung tâm HTCĐ. Chú trọng việc mở rộng địa bàn hoạt động của trung tâm HTCĐ theo hướng đưa các lớp học, các hoạt động của trung tâm HTCĐ về đến tận các thôn, bản để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia học tập. Tiếp tục xây dựng điểm một số trung tâm HTCĐ ở các địa bàn khác nhau (thành thị, nông thôn, miền núi...), tổ chức rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng; tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng để xây dựng một số trung tâm HTCĐ hoạt động có hiệu quả tại những xã biên giới. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để tổ chức biên soạn tài liệu, học liệu địa phương, tài liệu tham khảo, các chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kĩ năng, chuyển giao công nghệ tại các trung tâm HTCĐ nhằm tạo điều kiện cho người dân học tập theo nhu cầu.

Đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học: Tổ chức rà soát, đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên của các trung tâm này, đặc biệt là năng lực ngôn ngữ (nghe - nói) của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy chương trình GDTX về tiếng Anh thực hành theo đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chỉ đạo các trung tâm ngoại ngữ, tin học thực hiện nghiêm túc việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập chương trình GDTX về tiếng Anh thực hành ban hành theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức điều tra, thu thập thông tin về số người mù chữ, tái mù chữ trên địa bàn; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chống mù chữ phù hợp với thực tiễn; đặc biệt ưu tiên những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tiếp tục huy động những người trong độ tuổi 15-60 còn mù chữ ra lớp học xóa mù chữ, đặc biệt quan tâm đến trẻ em gái, phụ nữ người dân tộc thiểu số. Tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng để làm tốt công tác chống mù chữ tại những xã biên giới. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Xóa mù chữ giai đoạn 2012-2020” (sau khi đề án được phê duyệt) phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương…

TH

  • Từ khóa
83030

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu