Thứ 6, 19/04/2024 15:23:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 21:37, 21/09/2013 GMT+7

Nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ

Thứ 7, 21/09/2013 | 21:37:00 150 lượt xem

Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 9) là những chế định quy định về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trách nhiệm của Nhà nước đối với mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Điều này gồm có 3 khoản, với nội dung như sau: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. 3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

Về nội dung của điều này tôi hoàn toàn nhất trí như dự thảo đã nêu. Tuy nhiên, tôi xin đề nghị chuyển toàn bộ nội dung của Điều 106 trở thành khoản thứ 4 của Điều 9. Vì, thứ nhất, Điều 106 nằm trong Chương VI là chương quy định về Chính phủ, với nội dung như sau: Chủ tịch ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan. Xét về mặt logic thì quy định trên đặt ở Chương VII là không phù hợp. Vì Điều là điều dành riêng để nêu về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vậy nên tôi đề nghị đưa Điều 106 về thành một khoản của Điều 9 là phù hợp với logic và chặt chẽ về pháp lý. 

Như vậy, Điều 9 sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ được viết lại như sau: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. 3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. 4. Chủ tịch ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.

Điều 104 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 116, Điều 117) là những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ ở trung ương, với 2 khoản và Khoản 2 có nội dung như sau: 2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên vừa không đúng về mặt lý luận, lại vừa không khả thi. Vì theo quy định của Hiến pháp, người giữ chức danh Bộ trưởng là do Quốc hội phê chuẩn thì phải báo cáo công tác của mình và của ngành mình phụ trách trước Quốc hội. Hơn nữa, quốc hội cũng là người đại diện tối cao của nhân dân, nên báo cáo với Quốc hội cũng là báo cáo với nhân dân.

Nếu xét dưới góc độ pháp lý thì tương ứng với nghĩa vụ báo cáo của bộ trưởng là quyền xem xét báo cáo của Quốc hội và hệ quả pháp lý của việc xem xét đó có thể đưa đến việc Quốc hội tiến hành giám sát chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm đối với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Nếu bộ trưởng báo cáo trước nhân dân thì đối tượng, trình tự thủ tục và hệ quả pháp lý đối với cả người báo cáo và người xem xét đều không rõ về căn cứ và không khả thi. Do vậy, tôi đề nghị ở Khoản 2 này cần được sửa đổi, bổ sung nội dung như sau: “Hàng năm, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Quốc hội, Chính phủ”. Vì, đây là căn cứ để Quốc hội xem xét, giám sát và lấy phiếu tín nhiệm. Còn với Chính phủ thì là căn cứ để đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành công việc của các thành viên chính phủ. Và trên thực tế các báo cáo này đã được các bộ trưởng gửi đến Quốc hội từ đầu kỳ họp này.

Đồng thời, các thành viên của Chính phủ còn phải thực hiện việc báo cáo với cử tri, nơi bầu ra mình về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý. Với quy định này thì các thành viên của Chính phủ có thể thực hiện được và đây cũng là nhiệm vụ mà người đại biểu của (vì phần lớn các thành viên của Chính phủ đều là đại biểu Quốc hội) cử tri phải làm. Như vậy, Khoản 2, Điều 104 sau khi sửa đổi, bổ sung sẽ được viết lại như sau: 2. Hằng năm, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Quốc hội, Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước cử tri về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

Hồ Văn

 

  • Từ khóa
108259

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu