Thứ 5, 18/04/2024 21:48:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:24, 14/06/2019 GMT+7

LAO ĐỘNG & CÔNG ĐOÀN

Nhân văn từ những chương trình hướng về người lao động

Thứ 6, 14/06/2019 | 08:24:00 371 lượt xem
BP - Thực hiện chủ đề của Tháng công nhân năm 2019 “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”, tổ chức công đoàn ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động; giám sát thực hiện chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách; thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể nhiều điều khoản có lợi cho người lao động… Mỗi công đoàn cơ sở đều có những hoạt động thiết thực mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ưu tiên việc làm cho lao động khuyết tật

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới với khoảng 6,2 triệu người khuyết tật. Trong số này, khoảng 2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động đang có việc làm, phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn.

Chị Phạm Thị Ly tại phòng vắt, trữ sữa Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam

Xuất phát từ thực tế nêu trên, Công ty cổ phần giày da Thái Bình đã ưu tiên tuyển lao động khuyết tật và dành cho họ việc làm ở những công đoạn đơn giản. Tại Nhà máy 3, Công ty cổ phần giày da Thái Bình, đứng chân trên địa bàn TP. Đồng Xoài, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở nhà máy cử 1 chuyên viên tuyển dụng lao động khuyết tật. Chị Phạm Thu Thủy - công nhân khuyết tật vận động, trước đây chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ. “Mình tàn tật, biết đi đâu tìm việc. Nhìn mấy chị hàng xóm làm công nhân có lương hằng tháng mình ao ước được đi làm, được lãnh lương từ sức lao động của bản thân để không là gánh nặng cho gia đình” - chị Thủy tâm sự.

Mọi việc đã thay đổi khi chị Thủy được Nhà máy 3, Công ty cổ phần giày da Thái Bình tuyển vào làm ở chuyền may. Chị Thủy bị khuyết tật chân nên không thể sử dụng máy may như các công nhân khác. Vì vậy, công ty bố trí cho chị kiểm tra chất lượng sản phẩm ở chuyền may, được bố trí chỗ ngồi thuận tiện, thoáng mát. 

Ông Trần Duy Khánh, Giám đốc Nhà máy 3, Công ty cổ phần giày da Thái Bình cho biết, nhà máy hiện có 20 công nhân là lao động khuyết tật, chủ yếu khuyết tật vận động, câm điếc bẩm sinh. Mỗi người có những hạn chế riêng, song với chính sách ưu tiên hỗ trợ người khuyết tật, tổ chức công đoàn của nhà máy đã tham mưu bố trí công việc thích hợp. “Chúng tôi chủ trương hướng về cộng đồng, giúp đỡ lao động khuyết tật trên tinh thần công bằng, dân chủ. Lao động khuyết tật ở đây được đào tạo nghề miễn phí, có lương trong thời gian học việc, được hưởng đầy đủ chế độ đãi ngộ của công ty theo quy định pháp luật. Về lương, chúng tôi phỏng vấn, thỏa thuận nghiêm túc, thẳng thắn chứ không phải mình nhận người khuyết tật vào làm rồi muốn trả lương ra sao cũng được” - ông Trần Duy Khánh nói.

Doanh nghiệp có phòng vắt, trữ sữa

Hưởng ứng chương trình “Vắt, trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú là doanh nghiệp đi đầu hỗ trợ xây dựng phòng vắt, trữ sữa dành cho lao động nữ. “Đây là chương trình rất nhân văn, không chỉ hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục được bú sữa mẹ đến 24 tháng, mà còn nuôi dưỡng thế hệ tương lai. Các bà mẹ đang nuôi con nhỏ ở công ty đều có thể vừa làm vừa nuôi con bằng sữa mẹ mà không lo gián đoạn công việc” - ông Peter Yu,  Hiệp lý Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam chia sẻ.

Thông qua việc lắp đặt máy bảo quản sữa mẹ tại công ty đã góp phần giúp công nhân giảm chi phí mua sữa ngoài, con được bú sữa mẹ, tăng sức đề kháng, từ đó người lao động yên tâm làm việc. Chị Phạm Thị Ly đang nuôi con nhỏ 6 tháng tuổi không khỏi xúc động khi được công ty tạo điều kiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Túi sữa nhỏ được ghi tên, bộ phận làm việc rồi xếp vào tủ lạnh mang theo niềm hạnh phúc của rất nhiều người mẹ. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chị Ly đến Phòng y tế vắt sữa cất vào tủ lạnh mang về cho con. Chị Ly chia sẻ: “Trước đây, một số chị em đang nuôi con nhỏ rất vất vả vì cương sữa phải vắt bỏ, rất lãng phí. Giờ đây công ty có phòng trữ sữa, em để dành mang về cho con. Vì thế, cháu vẫn được uống sữa mẹ thường xuyên, có thêm sức đề kháng nên rất ít đau ốm. Chương trình vắt, trữ sữa cho lao động nữ thật sự rất nhân văn”.

Lê Hưng

  • Từ khóa
94563

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu