Thứ 7, 20/04/2024 11:54:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:10, 30/05/2017 GMT+7

Nhân tài cần được trọng dụng

Thứ 3, 30/05/2017 | 09:10:00 105 lượt xem
BP - Ngày 20-5-2017, gần 200 chuyên gia, trí thức Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Singapore đã tham gia đối thoại để chỉ ra nhiều cách thức hợp tác giữa Viettel và cộng đồng trí thức Việt Nam tại Singapore. Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra rất nhiều cách thức hợp tác giữa Viettel và cộng đồng trí thức Việt Nam tại Singapore. Ngoài về làm việc trực tiếp tại Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn có thể làm việc tại các công ty công nghệ mà Viettel đã thiết lập như Mỹ, Pháp và sắp tới là Hàn Quốc, Singapore, Nga, Ấn Độ.

Có thể nói, hội thảo là việc làm thiết thực của Tập đoàn Viettel trong việc chiêu mộ và tranh thủ trí tuệ người Việt ở nước ngoài vào sự lớn mạnh của tập đoàn, qua đó góp phần thiết thực phát triển đất nước. Từ trước tới nay, trí tuệ người Việt ở nước ngoài là một nguồn lực không hề nhỏ. Thật khó biết chính xác tổng số trí thức người gốc Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu. Thành phần trí thức người Việt ở nước ngoài rất đa dạng. Có người đã về hưu, có người vừa tốt nghiệp tiến sĩ hoặc được phong hàm phó giáo sư, giáo sư. Nhưng cho dù là ai, thuộc lĩnh vực công tác nào, đã mang dòng máu Việt thì họ đều muốn nền văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ ở quê nhà bắt kịp thời đại và luôn mong muốn Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có những chính sách “thảm đỏ” để mời gọi trí thức đang làm việc ở nước ngoài trở về nước. Thế nhưng dường như nỗ lực ấy chưa mang lại những kết quả tương xứng. Có người khao khát được trở về cống hiến cho đất nước, nhưng chính từ những bất cập như độ “vênh” về điều kiện, môi trường làm việc, phông nền của văn hóa ứng xử đã khiến họ không thể thực hiện được ước mơ của mình. Bên cạnh đó chúng ta lại đang “quên” đi việc níu giữ các nhân tài trong nước. “Đường lên đỉnh Olympia” của Đài Truyền hình Việt Nam là một chương trình phát hiện những tài năng. Trong số các nhà vô địch leo núi đã hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài, phần lớn không trở về Việt Nam. Đó là trong phạm vi cả nước. Còn ở phạm vi hẹp, ngay tại Bình Phước, mỗi năm trường THPT chuyên Quang Trung có khoảng 250-280 em lớp 12, trong số đó đa phần đậu đại học. Đến nay, nhà trường có khoảng 200 em thi đậu, đã và đang học Đại học Y Dược. Thế nhưng, chưa có em nào trở về đầu quân cho ngành y tế tỉnh. Thực ra, cũng có nhiều lý do để thông cảm sự không về nước hay về tỉnh của họ, bởi ai cũng có quyền chọn môi trường làm việc cho mình để phát huy năng lực. Tuy nhiên, nếu những thành phần ưu tú nhất của quốc gia ra đi mà “không hẹn ngày trở lại” thì sẽ ra sao? 

Việt Nam đang trên con đường hội nhập sâu rộng. Hơn lúc nào hết, việc bồi dưỡng, đào tạo, thu hút nhân tài là một trong những điều kiện quan trọng, cần thiết trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc để theo kịp, để vượt các nước trong khu vực và thế giới. Tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam không thua kém một đất nước nào. Vấn đề còn lại là tạo dựng chính sách thu hút nhân tài, tạo dựng môi trường phù hợp để khai thác trí tuệ của các nhân tài. Chính sách tốt không chỉ tập trung ở việc đãi ngộ vật chất với tiền lương, thưởng cao mà còn phải giải quyết các vấn đề trên một phạm vi rộng lớn hơn. Đây là điều rất khó, bởi trong thực tế có nhiều người quản lý không những không trọng dụng mà còn làm thui chột nhân tài.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu