Thứ 6, 29/03/2024 19:23:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:41, 08/07/2017 GMT+7

Nhà văn Hermann Hesse - dòng sông chảy mãi

Nguồn Báo tin tức
Thứ 7, 08/07/2017 | 15:41:00 274 lượt xem
BPO - Hermann Hesse là một trong những nhà văn hiện thực phê phán lớn của văn học Đức thế kỷ XX và cũng là một trong những nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất trên thế giới. Ông nhận giải Nobel văn học vì những tác phẩm mang đậm truyền thống nhân đạo cổ điển, thể hiện bằng một văn phong súc tích. Nhiều tác phẩm của ông được cả bạn đọc phương Tây và phương Đông yêu thích.

Dấu ấn của những tác phẩm đặc sắc

Văn hào lỗi lạc người Đức Hermann Hesse sinh ngày 2-7-1877 tại Đức. Cha mẹ ông đều là những nhà truyền giáo từng làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, còn ông ngoại là nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ, bởi vậy tư tưởng của Hesse chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo.

Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông - Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân loại sống trong cảnh bình yên.

Hermann Hesse khởi nghiệp sáng tác bằng thơ ca năm 1898, với tập thơ “Romantische Lieder” (Các bài hát lãng mạn). Tuy nhiên, tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn qua các tiểu thuyết “Peter Camenzind”, “Demien”, “Steppenwolf” (Sói đồng hoang), “Siddhartha” và “Das Glasperlenspiel” (Trò chơi với chuỗi hạt cườm). Con đường sáng tác của Hesse đi từ tình cảm cô đơn và nỗi buồn lãng mạn của cuối thế kỷ XIX đến tầm nhìn xa trông rộng, có trách nhiệm đối với xã hội ở thế kỷ XX, ước mơ và tin chắc vào tương lai tốt đẹp hơn của con người.

Nhà văn Hermann Hesse.

Cuốn tiểu thuyết được chú ý đầu tiên của ông là “Peter Camenzind” (1904) có ít nhiều tính chất tự truyện: một người nguồn gốc tầm thường, có tài và có nhiều hoài bão, không thích nghi được với xã hội tư sản và đời sống thành phố, đành trở về sống ở quê nhà. Đây là một tiểu thuyết giáo dục rất hấp dẫn bạn đọc đương thời.

Tiểu thuyết “Demien” (1919) viết về tình trạng rối loạn của thanh niên tư sản. Đây là tác phẩm đã khiến rất nhiều độc giả thanh niên say đắm. Cuốn sách từng được chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhan đề “Tuổi trẻ băn khoăn”.

Hermann Hesse từng viết “Cái đẹp chỉ có thể sinh ra từ những giấc mơ điên rồ”. Có lẽ xuất phát từ quan điểm đó nên càng trưởng thành, văn chương của Hermann càng đầy ắp những ý tưởng sáng tạo điên rồ, vượt khỏi mọi đường biên của ý thức thông thường.

“Sói thảo nguyên” được xem là một cuốn sách đặc biệt của Hermann Hesse. Đây là tác phẩm được sinh ra trong bối cảnh nước Đức vừa trải qua Thế chiến thứ nhất, đồng thời khi ấy Hermann Hesse cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh cá nhân trước khi bắt đầu sáng tác. Cuốn sách được dẫn dắt dưới dạng một tập bản thảo được viết bởi của nhân vật chính - người đàn ông trung niên tên là Harry Haller. 

Hesse đã tạo nên một tác phẩm đầy xung đột, nhưng đồng thời phóng khoáng bởi sự pha trộn giữa tính hài hước châm biếm và chất thơ trong việc xử lí chủ đề. “Sói thảo nguyên” phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm của tác giả với thái độ phê phán khía cạnh tha hóa đạo đức của văn minh phương tây.

Những sáng tác sau “Sói thảo nguyên” có thể coi là giai đoạn tự vấn quyết liệt cũng như phơi bày một hành trình trưởng thành đầy nghiệt ngã của bản thân con người.

Bị cuốn hút bởi sự thông thái của người Ấn Độ ngay thời thơ ấu, nên khi trưởng thành, ông du lịch tới đất nước mà ông hằng mong mỏi. Tuy nhiên ông đã không tìm được lời giải đáp cho những bí ẩn của đời sống ở đây. Nhưng Phật giáo đã ảnh hưởng tới tư tưởng của ông, một ảnh hưởng hoàn toàn không chỉ giới hạn ở “Siddhartha”, câu chuyện đẹp đẽ về cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trên trái đất của chàng tín đồ Bà la môn trẻ tuổi. Chân lý cuối cùng anh ngộ được là yêu thương cuộc sống, yêu thương thế giới.

Ở tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng “Trò chơi với chuỗi hạt cườm”, Herman Hesse đã đặt con người vào một bối cảnh tương lai, thế kỷ 25. Ở đó, sự phát triển của con người không gắn liền với sự phát triển của đời sống. Mọi giới hạn về đời sống vốn có bị phá vỡ. Nó tồn tại giống như một trò chơi trật tự, và nhân vật chính, Joseph Knecht, là vật chủ trong trật tự ấy.

Ngay cả các truyện ngắn mà Hesse gọi là "cổ tích" như “Huệ tím”, “Bèo tím và nụ hồng”, “Bích thảo hóa thân”..., cũng được sáng tạo bằng sự tưởng tượng phong phú, đầy chất thơ, sự biến hóa đầy tính huyền thoại. Những truyện của ông dù là "cổ tích" nhưng đều không diễn ra theo nghệ thuật truyền thống: các nhân vật của ông không đi tìm kho báu hay lên ngôi vua, trở thành ông hoàng bà chúa, mà đuổi theo một lý tưởng thoát tục, một lý tưởng hành động, nuôi ý chí lên đường đi tìm chân lý.

Nơi gặp gỡ và giao lưu của hai nền văn hóa Đông Tây

Có thể khẳng định: Hermann Hesse là đại diện tiêu biểu cho nền văn học nhân đạo - tư sản Đức. Toàn bộ tác phẩm của thi hào Hermann Hesse, dù đó là thơ hay tiểu thuyết, tạp văn hay truyện ký, đều là tấm gương phản chiếu một giai đoạn lịch sử quan trọng của nước Đức và của châu Âu cuối thế kỷ XIX đến 60 năm đầu thế kỷ thứ XX. Qua đó, người đọc cảm nhận một gương mặt nhân hậu, đầy tình yêu thương con người, một tiếng nói sắc sảo chống xã hội tư bản. 

So với các thế hệ văn hào Đức, ở Hermann Hesse có một nét rất riêng biệt, nếu không nói là đặc sắc: ông và tác phẩm của ông là điểm hẹn, là nơi gặp gỡ và giao lưu của hai nền văn hóa Đông Tây trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật.
Đó là sự hòa nhập nội tâm, một sự dấn thân mang tính tất yếu làm cho ông trở nên thật sự độc đáo và riêng biệt. 

Đó là sự tiếp thu có chọn lọc, có suy nghĩ, có thể nghiệm công phu của ông. Hình như ông còn cảm nhận hơn những người Á Đông nét chủ yếu trong lối nhìn Đông phương: không phải yếu thế, mặc cảm mà là lạc quan, cứu rỗi, tự nhiên. Sự hóa kiếp là một tiếng reo vui bất tử, là chiến thắng mọi lo âu già cỗi, mỗi phút ngắm hoa là một lần chứng ngộ chân lý, mỗi chút yêu người quên mình là một hiện thực niết bàn hạnh phúc, và làm thơ là con đường vượt thời gian hay ngậm thời gian cả quá khứ, hiện tại, vị lai vào trong chốn bất diệt...

Miệt mài nghiên cứu, học tập, tiếp thu các nền văn hóa, song trước sau ông vẫn là một nhà văn người Đức, đã thổi vào văn học Đức, văn học châu Âu một luồng sinh khí mới, không máy móc, khuôn sáo; đằng sau những bóng dáng quen thuộc vẫn lung linh những gương mặt, những tiếng nói cao quý và mới mẻ hơn. 

Qua những tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tập thơ của ông, dường như người phương Đông và người phương Tây vẫn có những "tri âm", rất gần gũi và không ngừng bổ sung cho nhau. Ngoài nội dung, ông còn mang đến cho độc giả nước mình một thứ tư duy mới, tư duy hình tượng phong phú, đầy âm thanh, màu sắc. Từ ngôn ngữ, từ vựng Đức, ông đã cho xuất hiện những hình ảnh của vạn vật, những chân trời thấp thoáng gió và cỏ cây, nắng và sóng biển... Tất cả đều dào dạt, ngân vang trong một thứ hành văn đầy chất thơ, những câu thơ văn xuôi có vần, đọc lên người ta như muốn hát, muốn thả tâm hồn bay bổng.

Năm 1946, Hermann Hesse được tặng Giải Nobel Văn học. Ông cũng là tác gia Đức được đọc và dịch nhiều nhất. Hơn 100 triệu bản sách của ông được bán khắp trên thế giới. Nhiều tác phẩm của Harmann đã được dịch sang tiếng Việt, trong đó có những cuốn có 2 bản dịch khác nhau và có cuốn được tái bản đến 5 lần.

Ông mất ngày 9-8-1962 ở Thụy Sĩ, nơi ông định cư từ năm 1923. Để tưởng nhớ Hermann Hesse đã có 2 giải thưởng lớn mang tên ông: Giải thưởng Hermann Hesse và giải thưởng văn học Hermann Hesse.

  • Từ khóa
93060

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu