Thứ 7, 20/04/2024 15:38:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:59, 24/08/2017 GMT+7

Nhà ở cho hộ nghèo xuống cấp nghiêm trọng

Thứ 5, 24/08/2017 | 14:59:00 225 lượt xem
BP - Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là nhà ở 167), từ năm 2009-2012, hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nhà ở. Đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm xóa nhà tranh tre, nhà tạm, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay nhiều ngôi nhà 167 bị xuống cấp trầm trọng khiến người dân không thể ở được.

Theo Quyết định số 167, mỗi căn nhà được hỗ trợ 9 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn Bình Phước được Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/căn, số còn lại do người dân vay Ngân hàng chính sách xã hội và đóng góp thêm với tổng mức đầu tư từ 12-40 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn 2 huyện Bù Gia Mập và Phú Riềng hầu hết nhà ở 167 đã xuống cấp, thậm chí có căn tường nhà đã lung lay và sập.

Chất lượng công trình có vấn đề

Hằng năm, cứ đến mùa mưa là cả gia đình ông Điểu Quýt ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) lại khổ sở vì nhà dột. Còn mùa nắng thì trong nhà nóng như lò thiêu. Ông Điểu Quýt cho biết, căn nhà được xây năm 2011, diện tích 28m2, trong đó nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng, gia đình vay Ngân hàng chính sách xã hội 8 triệu đồng (thời hạn 10 năm), tổng trị giá 20 triệu đồng. Đến nay, tường và móng nhà vẫn chắc nhưng do tôn quá mỏng nên bị dột nhiều chỗ, mặt khác nhà quá thấp lại không có trần, nên rất nóng. “Số tiền gia đình vay Ngân hàng chính sách xã hội để xây nhà đã 6 năm nhưng đến nay vẫn chưa trả được nợ” - ông Điểu Quýt nói. Bên cạnh nhà ông Quýt là nhà 167 của hộ ông Điểu Yớh cũng chung cảnh. Nhà được xây năm 2011 với diện tích 28m2, mức đầu tư 20 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng, gia đình vay Ngân hàng chính sách xã hội 8 triệu đồng (hiện vẫn chưa trả được nợ). Do nhà xây quá thấp lại dột nên chỉ sử dụng lúc thời tiết mát mẻ, còn khi nắng nóng hoặc mưa lớn thì gia đình chuyển xuống nhà bếp ở.

Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh khảo sát nhà bà Thị Giầy, thôn Bù Ka 2, xã Long Hà (Phú Riềng) bị xuống cấp

Nhà ông Điểu Ghen, thôn Đắk U cũng được hỗ trợ xây dựng nhà 167 từ năm 2011 nhưng hầu như gia đình không sử dụng. Vợ chồng ông cho biết, do nhà dột, mưa thấm làm mục đòn tay nên không dám ở. Hiện gia đình chỉ tận dụng mái hiên nhà làm nơi dệt thổ cẩm, đan gùi, còn ăn ở và sinh hoạt thì tận dụng căn bếp.

Từ năm 2009-2012, xã Phú Nghĩa có 62 hộ được hỗ trợ xây nhà 167. Trong đó năm 2009, 4 hộ; 2010, 2 hộ; 2011, 40 hộ, số còn lại hỗ trợ năm 2012. Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn nhà ở 167 tại xã Phú Nghĩa được xây bằng gạch, xi măng tương đối chắc, nền láng xi măng, chưa xuất hiện vết nứt hay lung lay. Tuy nhiên, tường chưa tô trong ngoài, chiều cao khiêm tốn; mái lợp tôn mỏng, không có trần nên nắng nóng và mưa thì dột.

Trong đợt kiểm tra tiến độ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” mới đây của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh tại huyện Phú Riềng do Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Quang Toản làm trưởng đoàn; ngoài kiểm tra, đoàn còn khảo sát những hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở, trong đó có nhà ở 167 xuống cấp để vận động hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp. Trong 3 điểm đến, đoàn phát hiện 1 nhà sập, 1 nhà mục nát, lung lay không còn sử dụng. Nhà anh Điểu Thành B ở thôn Bình Trung, xã Phước Tân (Phú Riềng) có diện tích 28m2 được xây bằng gạch, xi măng hiện đã mục nát, các bức tường bị lung lay. Do xuống cấp trầm trọng nên gia đình anh Thành B đã chuyển đi nơi khác ở hơn 1 năm nay. Nhà bà Thị Giầy ở thôn Bù Ca 2, xã Long Hà (Phú Riềng), tại thời điểm được hỗ trợ xây dựng gia đình góp thêm kinh phí để tô tường trong ngoài nên khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, móng nhà lại có vấn đề nên trận mưa lớn cuối tháng 7 vừa qua đã làm sập bức tường phía sau, buộc cả gia đình phải ở tạm nhà bếp.

Cần giúp hộ nghèo sửa chữa nhà ở

Toàn huyện Bù Gia Mập giai đoạn 2009-2012 (khi chưa tách huyện Phú Riềng) được hỗ trợ xây dựng 412 nhà ở 167 cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, trong đó phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Những hộ này đều không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, phải làm thuê kiếm sống qua ngày. Tại thời điểm được hỗ trợ tiền xây nhà, do trình độ dân trí thấp nên người dân không biết gì về hợp đồng, hóa đơn, bản kê khai vật liệu. Đặc biệt kiến trúc, kỹ thuật xây dựng lại càng “mù tịt”, tất cả chỉ gửi gắm “một cục” cho nhà thầu. Có hộ chỉ xây với số tiền 12 triệu đồng, gồm tiền Chính phủ hỗ trợ 9 triệu đồng và Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh 3 triệu đồng; cũng có căn nhà xây dựng với kinh phí 40 triệu đồng, gồm 12 triệu đồng được hỗ trợ, số còn lại gia đình đóng góp thêm, tuy nhiên cấu trúc, chất lượng công trình lại giống nhau, không có nhiều khác biệt. Trong 412 hộ thì hiện khoảng 200 hộ mong muốn đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư thay tôn, đóng trần và tô trong ngoài.

Căn nhà 167 của gia đình bà Thị Giầy ở thôn Bù Ka 2, xã Long Hà (Phú Riềng) bị sập tường phía sau nhà do móng có vấn đề

Theo thống kê của Sở Xây dựng, giai đoạn 2009-2011, Chương trình 167 của tỉnh đã hỗ trợ 3.351 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí 78 tỷ 895 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 23,092 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 7,067 tỷ đồng, vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 25,24 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ 4,731 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động khác 18,765 tỷ đồng. Phương thức tổ chức xây dựng là hỗ trợ kinh phí trực tiếp đến từng hộ và khuyến khích người dân tự xây, không có chủ trương chỉ định thầu nhà ở cho các hộ dân. Các hộ sau khi nhận được tiền từ các nguồn hỗ trợ, vốn vay đã chủ động mua vật liệu, kêu thợ về xây nhà và tham gia giám sát. Tại một số nơi chủ hộ chỉ kêu thợ chính, còn lại thợ phụ do gia đình, bà con hàng xóm phụ giúp, các vật liệu phụ cũng tận dụng tại chỗ.

Theo đề án đã được phê duyệt thì mức hỗ trợ và mức vay để làm nhà ở 167 là 17 triệu đồng/căn (nguồn kinh phí hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ, vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội tối đa 8 triệu đồng/hộ), diện tích sử dụng tối thiểu 24m2, tuổi thọ tối thiểu 10 năm. Trên thực tế phần lớn các căn nhà được xây dựng đều có diện tích bằng hoặc lớn hơn so với thiết kế mẫu vì ngoài vốn được hỗ trợ và vay thì gia đình còn nhận được sự ủng hộ của người thân, hàng xóm về ngày công, vật liệu. Tại thời điểm bàn giao, qua kiểm tra thực tế đã có một số căn nhà chưa đạt yêu cầu ảnh hưởng đến sinh hoạt như dột, nền bong tróc, cửa sử dụng chưa thuận tiện, an toàn...

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167 có ý nghĩa chính trị - xã hội rất to lớn và mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần rà soát, kiểm tra lại chất lượng công trình, qua đó có biện pháp khắc phục sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới những căn đã bị xuống cấp, giúp người nghèo có nhà ở ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
93349

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu