Thứ 5, 25/04/2024 02:17:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:03, 23/06/2018 GMT+7

Nhà nông và nỗi lo vụ trồng mới

Thứ 7, 23/06/2018 | 08:03:00 130 lượt xem
BP - Thời điểm này, nông dân trong tỉnh bắt tay vào vụ trồng mới. Có nhiều hộ chuyển đổi cây trồng và điều vẫn là sự lựa chọn phổ biến. Một số hộ trồng dặm cây chết, thay thế cây xấu, kém năng suất… Phải thay thế diện tích lớn điều già cỗi nhưng người trồng đang băn khoăn nên trồng giống nào, mua ở đâu…, trong khi thị trường bày bán tràn lan mà không biết đâu là nguồn giống đáng tin cậy.

Thông tin trái chiều, nông dân lo ngại

Gia đình anh Phan Đức Bình, thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) có 7 ha điều trồng cách đây khoảng 40 năm. Hiện nhiều cây đã chết cành, mục gốc. Vụ vừa qua, cùng với sự tàn phá của sâu, bệnh 7 ha điều của gia đình anh chỉ thu được gần 7 triệu đồng, bắt buộc phải trồng điều mới thay thế. Anh Bình cho biết: “Hiện tôi đã cưa 2,5 ha điều già cỗi, đồng thời trồng thay thế bằng giống điều AB05-08 mua ở tỉnh Đồng Nai. Dù còn phải trồng mới 4,5 ha nữa nhưng tôi chưa dám cưa vì hiện nay thông tin về giống điều rất mập mờ. Không biết đâu là giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, bởi thực tế phải 3-4 năm sau điều cho thu hoạch mới biết”. Anh Bình tạm tính 2,5 ha của gia đình phải chi phí trên 100 triệu đồng. Trong đó, gần 60 triệu đồng đầu tư ban đầu và khoảng 40 triệu đồng chi phí chăm sóc cho 3 năm sau. Nếu nông dân trồng phải giống không đạt thì thiệt hại rất lớn.

Sản xuất giống điều ở Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước hiện chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

Cùng thôn Đắk Xuyên, hộ anh Nguyễn Văn Đô có 4 ha trồng giống mới (chưa rõ loại giống) đã cho thu bói. Cây phát triển khỏe mạnh, hạt to nhưng ít trái, năng suất rất thấp. Thất vọng, anh Đô cưa đi 1 ha, hiện diện tích này vẫn đang bỏ trống, anh Đô chưa biết trồng loại điều gì, mua giống ở đâu.

Thạc sĩ Trần Đình Thọ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh cho biết: Để đáp ứng nhu cầu về giống điều cho nông dân, ngành đã nghiên cứu và tháng 5-2016, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công nhận 5 giống điều địa phương gồm: BP18, BP27, BP43, BP68, BP89. Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh là đơn vị duy nhất đang tiếp tục sản xuất các giống này ngay tại đơn vị. Tuy nhiên do mới được công nhận nên số lượng sản xuất cây giống còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhiều, cũng chính vì vậy mà việc quảng bá, giới thiệu các giống này chưa được phổ biến rộng rãi tới người trồng điều trong tỉnh.

Ở thôn 5, xã Bom Bo (Bù Đăng), anh Chu Văn Cửu, một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của huyện, có nhiều kinh nghiệm trồng điều cho biết: “Năm 2005, tôi mua giống AB05-08 (thời điểm đó gọi là điều Thái ngọn xanh - PV) tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Đến năm 2008, cây đã cho thu hoạch. Điều chùm nhiều trái nhưng tỷ lệ thối cao. Mỗi chùm khoảng trên 20 trái nhưng bị hư nhiều. Nguyên nhân do lá dày, không quang hợp, độ ẩm cao phát sinh nhiều sâu bệnh dẫn đến năng suất thấp”. Ngay sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh Cửu đã phải cưa khoảng 1 ha để trồng cà phê. Nói về giống AB05-08 và AB29, anh Cửu quả quyết: “Đây không phải là giống tốt, nông dân không nên trồng. Tại hội thảo về cây điều do UBND huyện Bù Đăng tổ chức tháng 4-2018, tôi đã tranh luận rất nhiều về giống điều này và đề nghị ngành nông nghiệp không nên công nhận, không phổ biến đưa giống điều này vào sản xuất”.

Để đáp ứng nhu cầu nông dân trong mùa trồng mới, hiện trên thị trường bán rất nhiều loại giống điều. Trong đó, phổ biến là giống AB05-08 và AB29. Người bán cây giống tại địa bàn xã Đắk Nhau thì giới thiệu và quảng bá đây là 2 giống tốt với nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, cho thu hoạch sớm và bán chạy nhất trên thị trường hiện nay. Ngoài bán 2 giống nêu trên, một số trại bán giống tại địa bàn xã Thọ Sơn (Bù Đăng) còn tự chọn giống trực tiếp từ những cây có năng suất tại các vườn của nông dân trên địa bàn về ươm bán. Do thiếu những thông tin về giống của cơ quan chuyên môn, nhà khoa học nên người dân thường nghe theo tư vấn của người bán hàng.

Chọn giống đã công nhận

Thạc sĩ Huỳnh Xuân Linh, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng cho biết: Bù Đăng có khoảng 59 ngàn hécta điều. Mùa mưa hằng năm, người dân tiếp tục trồng mới và chăm sóc, nhu cầu cây giống rất cao. Tháng 4-2018, các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện tổ chức hội thảo với 3 nội dung về: Giống điều, thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc phát triển với sự tham gia của nhiều kỹ sư nông nghiệp, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, hội nông dân các xã, thị trấn và cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật cơ sở. Trong đó, giống điều là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tại hội thảo, cơ quan chuyên môn đã nêu rõ giống AB05-08 và AB29 hiện nay được nhiều nông dân trồng. Tuy nhiên, 2 giống này chưa được công nhận trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam. Qua đó giới thiệu một số giống đã được công nhận, được phép sản xuất, phù hợp với đất đai của Bình Phước là giống PN1 và các giống điều được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công nhận là cây đầu dòng.

Anh Phan Đức Bình (bìa phải, chỉ tay) lo lắng, 4,5 ha còn lại không biết sẽ trồng giống cây gì, mua ở đâu?

Chưa có thống kê về diện tích điều trồng mới trên địa bàn tỉnh, nhưng 2 năm qua, hầu hết các huyện, thị xã đều xảy ra dịch bệnh gây hại nặng, đặc biệt là Bù Đăng - huyện có diện tích điều lớn nhất tỉnh; điều già cỗi, mức độ phục hồi, sinh trưởng kém nên nhu cầu trồng mới rất cao. Trước những lo lắng của nông dân về giống điều, các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp tỉnh cần có định hướng, khuyến khích nhà nông tìm mua những giống đã được công nhận và được phép sản xuất.

Quang Minh

  • Từ khóa
42796

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu