Thứ 4, 24/04/2024 03:36:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:04, 21/03/2018 GMT+7

Nhà nông Phan Văn Tiến trồng điều năng suất cao

Thứ 4, 21/03/2018 | 15:04:00 430 lượt xem
Chỉ với 1,3 ha điều nhưng nhờ áp dụng nghiêm quy trình khoa học - kỹ thuật nên vườn điều của gia đình ông Phan Văn Tiến (1951), ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến (Đồng Phú) luôn cho năng suất cao.

Năm 1990, vợ chồng ông Tiến đưa 2 con vào Bình Phước lập nghiệp với nhiều khó khăn. Vợ chồng ông phải đi làm thuê trang trải cuộc sống gia đình. Năm 1994, ông mua được 1,8 ha đất trắng trồng tiêu, cà phê... nhưng đất bạc màu lại không có vốn đầu tư nên năng suất thấp. Năm 1997, ông chặt bỏ cà phê và tiêu để trồng điều. Trước đây, chưa có giống điều mới nên ông phải tự ươm giống bằng cách quan sát các vườn điều trong ấp, thấy cây nào khỏe mạnh, không sâu bệnh, sai trái là ông mua hạt về ươm trồng nên năng suất không cao. Sau này, khi có giống điều mới ông đầu tư thay thế toàn bộ vườn điều cũ năng suất thấp. Ông Tiến nói: “Trước đây, người trồng điều chủ yếu dựa vào thời tiết, ít áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật nên không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với sâu, bệnh. Đặc điểm của cây điều là cho hoa nhiều đợt, do đó sau những cơn mưa trái mùa, rất dễ phát sinh nấm, bệnh thán thư và các loại sâu bọ tấn công gây khô cành, khô bông. Nếu không kịp thời chữa trị thì mùa điều thất thu là khó tránh khỏi”.

Ông Tiến trong vườn điều năng suất cao của gia đình

Chăm sóc điều không dễ như nhiều nông dân vẫn nghĩ, chỉ cần lơ là điều sẽ bị bệnh và nếu không dùng đúng thuốc, trị đúng cách thì bệnh càng nặng thêm, lan nhanh. Do đó, ông thường xuyên theo dõi vườn điều để phát hiện, nhận biết bệnh sớm, chữa trị kịp thời. Đặc biệt, có những loài sâu phải quan sát cả ngày lẫn đêm mới phát hiện. Ông Tiến cho biết: Cây điều thường bị bệnh khô cành cháy lá do 2 loại nấm gây ra. Bệnh phát triển trong điều kiện nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao, đặc biệt với những vườn cây rậm rạp, bón phân không cân đối. Bệnh lây lan qua gió, nước, xâm nhiễm qua các vết thương trên thân cây. Để điều trị bệnh cần kết hợp 2 loại thuốc, gồm: Carban 50SC và Evitn 50SC, mỗi loại đều sử dụng 2 lít pha với 800 lít nước phun cho 1 ha, phun sương ướt đều 2 mặt lá vào sáng sớm hoặc chiều mát. Còn với bọ xít muỗi hại điều, sử dụng 1 lít thuốc Peran 50 EC pha với 800 lít nước phun cho 1 ha. Khi bệnh nặng phải phun kép 2 đợt, cách nhau 7-10 ngày. Kết hợp các biện pháp canh tác khác như tỉa cành tạo tán, xông khói, dọn cỏ, chăm bón hợp lý. Ở thời kỳ điều trổ bông nếu gặp mưa nhiều sẽ khiến các chùm bông bị ngậm nước, sau đó gặp nắng sẽ bị héo khô. Đây cũng là giai đoạn bông điều dễ bị nấm, phát sinh sâu bệnh, do đó phải thường xuyên thăm vườn để chữa trị kịp thời cho cây. 

Để cây điều phát triển tốt, sau mùa thu hoạch ông Tiến tỉa cành, tạo tán cho ánh sáng mặt trời trải đều vườn cây. Sau đó xịt thuốc rửa cây 2 lần để tiêu diệt rầy, rệp... Mỗi năm ông bón phân 4 lần: Vào đầu và giữa mùa mưa, đầu mùa khô và khi điều có trái thì bón kali giúp chắc hạt. Riêng cỏ trong vườn điều cũng không sử dụng thuốc mà dùng máy cắt cỏ để làm sạch. Bởi làm theo cách này sẽ tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, nếu dùng thuốc diệt cỏ sẽ làm đất bị chai, bạc màu. 

Nhờ biết chăm sóc cộng thêm sử dụng thuốc, bón phân đúng cách nên vườn điều của gia đình ông Tiến luôn đạt năng suất từ 3,5-4 tấn/ha, lời khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Tiến còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, như: Chi hội trưởng nông dân ấp Chợ, Ấp phó rồi Ấp trưởng, hiện nay ông là Chi hội trưởng cựu chiến binh ấp. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chung tay xây dựng nông thôn mới, năm 2017 ông tự nguyện hiến 2 sào đất để làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Vinh dự hơn, ông vừa được Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất điều.

Thanh Sơn

  • Từ khóa
42579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu