Thứ 7, 20/04/2024 15:07:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:19, 07/01/2020 GMT+7

Nhà nông “mát tay” với vườn cây ăn trái

Phương Dung
Thứ 3, 07/01/2020 | 13:19:00 707 lượt xem
BPO - Những ngày giáp tết, tôi đến thăm vườn cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Văn Lộc và chị Nguyễn Thị Tới ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập). Khác với suy nghĩ ban đầu của tôi, khi tận mắt chứng kiến mới thấy vườn rẫy nhà anh Lộc chỗ cao, chỗ thấp, có đoạn cách nhau đến 4m. Tuy địa hình không bằng phẳng nhưng trong vườn, cây được trồng ngay hàng thẳng lối, từng gốc vun bồn cẩn thận, lá rụng được thu dọn gọn gàng nhìn rất thích mắt.

Chịu khó lao động

Năm 1998, từ tỉnh Đồng Nai (quê vợ), anh Nguyễn Văn Lộc theo người thân đến xã Đức Hạnh mua 2 ha đất ở thôn 19/5, giáp thôn Bù Kroai để lập nghiệp. Thời điểm đó giá đất rẻ nhưng vốn ít nên vợ chồng anh Lộc chỉ mua được mảnh vườn “không bằng phẳng, đường đi lại không thuận tiện”. Nhưng với kinh nghiệm của người làm vườn nhiều năm, anh Lộc nhận thấy đây là vùng đất phù hợp với các loại cây trồng. Tuy nhiên, lúc đó chưa xác định được loại cây nào là phù hợp nhất nên anh chỉ trồng cà phê, cao su, tiêu và xen khoảng 20 cây sầu riêng hạt, chục cây bưởi long để thử nghiệm.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lộc ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh trong vườn cam sành của gia đình

Nghĩ chỉ “trồng cho đỡ nhớ nghề” nhưng sau thời gian ngắn, sầu riêng, bưởi long đã cho gia đình anh Lộc thu nhập cao. Thấy vậy, mỗi năm anh Lộc lại chuyển đổi diện tích nhỏ cây trồng không hiệu quả để trồng thêm sầu riêng ổi, sầu riêng Thái, măng cụt, mít, chôm chôm Thái, bòn bon... Nhờ mỗi cây một ít, cây trái 4 mùa nên gia đình anh có nguồn thu quanh năm, cuộc sống cải thiện nhiều. Chị Nguyễn Thị Tới cho biết: “Để có vốn phát triển kinh tế, tôi đã 2 lần được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tạo điều kiện vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi chịu khó học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã để chăm sóc vườn rẫy đúng kỹ thuật. Quê chồng tôi ở Tiền Giang, trước đó ảnh cũng đã làm vườn nên có phương pháp canh tác, nhờ đó khai thác tốt vườn cây, đem lại hiệu quả cao”.

Để kiến thiết được vườn cây như hôm nay, vợ chồng anh Lộc đã tốn rất nhiều công sức. Có lần anh Lộc vì mải miết chăm sóc cây đã bị té từ độ cao 4m xuống đất, chân bị tổn thương khá nặng. Anh còn nghĩ ra cách bắt sâu bọ, ruồi hại cây bằng phương pháp thủ công để hạn chế thấp nhất sâu bệnh hại cây trồng. Mỗi cây trồng trong vườn đều được vun bồn riêng để thoát nước, lá cây rụng xuống được gom quét thường xuyên dưới gốc nhằm giữ độ ẩm. Trong quá trình tưới, anh quan sát từng cây, phát hiện sâu bệnh hại có cách xử lý kịp thời, tránh lây lan cả vườn.

“Mát tay” với cây ăn trái

Hiện vườn nhà anh Lộc có khoảng 47 cây măng cụt, mỗi năm thu gần 2 tấn trái; 50 cây sầu riêng các loại, mỗi năm thu trung bình 1 tấn; 20 cây bưởi long thu 1 tấn/năm; 1,6 tấn cà phê và các loại trái cây khác như cam sành, bòn bon, mãng cầu, chôm chôm... Tuy chỉ với 2 ha đất nhưng mỗi năm vườn cây nhà anh Lộc cho thu lời từ 200-250 triệu đồng/năm. Hiệu quả kinh tế từ vườn cây, rất nhiều người cho rằng anh Lộc “mát tay”. Theo anh Lộc, đất ở khu vực này rất phù hợp trồng cây ăn trái, nhất là cây có múi. Anh đã chia sẻ với rất nhiều nông hộ về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc nên đã có người chuyển đổi từ các loại cây công nghiệp sang trồng sầu riêng, măng cụt.

“Ở vùng này, nếu chịu khó lao động và học hỏi, chỉ cần từ 5 sào đất trở lên trồng cây ăn trái là đủ ăn, còn làm giàu không quá khó. Vợ chồng tôi cũng bằng sức lao động, sự hỗ trợ vốn của Nhà nước mà xây được nhà khang trang, nuôi 2 con trưởng thành”.

Anh Nguyễn Văn Lộc nói

Trong chăm sóc cây trồng, anh Lộc chú ý bệnh xì mủ và rụng lá non đối với cây sầu riêng; sâu vẽ bùa, nấm hồng ở cây bưởi; bệnh xì mủ và chết nhánh từ cây măng cụt. Mỗi ngày thăm vườn, tưới cây, anh Lộc quan sát nếu thấy là xử lý ngay, vì vậy hạn chế được sự lây lan mầm bệnh. Anh Lộc cho biết: Với loại đất khu vực này, hiện tôi thích nhất là trồng măng cụt, vì cây sinh trưởng rất tốt, ít bị sâu bệnh. Với các loại ong ruồi, tôi chế tạo dụng cụ bắt treo trực tiếp từng cây rất hữu hiệu. 2 năm nay, dù mới ra trái bói nhưng 47 cây măng cụt đã cho năng suất khoảng 2 tấn, trung bình 35 ngàn đồng/kg là vượt ngoài sự mong đợi.

Chị Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Hạnh cho biết: Trái cây vườn nhà chị Tới được các mối lái trên địa bàn huyện Bù Gia Mập và thị xã Phước Long ưa chuộng. Trước mùa sầu riêng và măng cụt, rất nhiều thương lái đã đến “mua trái non” nhưng anh Lộc không đồng ý bán. Gia đình chị Tới chỉ quen bán cho các mối cũ, với giá bình quân không thay đổi và đợt hàng nào cũng nhận được lời khen. Tuy giá không cao nhưng anh chị thấy bền vững, uy tín. Một số loại trái cây cho năng suất với số lượng không nhiều, anh Lộc bán giá sỉ cho người dân xung quanh vùng và thường xuyên được bà con đặt hàng.

Có lẽ trong nghề trồng cây ăn trái, vợ chồng anh Lộc có duyên. Tuy có năm bị thiên tai tàn phá khiến thu nhập giảm sút nhưng nghề trồng cây ăn trái đối với vợ chồng anh vẫn là “dễ ẹc”.

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Gia Mập Phùng Thị Kim Yến chia sẻ: Năm 2019, hội hỗ trợ vốn cho 5 phụ nữ khởi nghiệp để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ. Trong số này, chị Nguyễn Thị Tới nhờ chăm chỉ, năng động đã phát huy hiệu quả nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, đem lại thu nhập cao.

  • Từ khóa
45284

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu