Thứ 7, 20/04/2024 14:12:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:41, 25/06/2016 GMT+7

Nhà báo không thể lạnh lùng, vô cảm!

Thứ 7, 25/06/2016 | 09:41:00 199 lượt xem

BP - Mấy hôm nay, dư luận cả nước đang lên án cách hành xử của ông Mai Phan Lợi, Phó tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng đại diện Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Nhìn nhận sâu xa cách hành xử của ông Lợi thì cũng chỉ vì sự vô cảm đến tàn nhẫn của một nhà báo trước sự việc bi thương của dân tộc. Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương đã phải thốt lên: “Tôi không thể hiểu nổi, tại sao một nhà báo công tác tại một tờ báo có uy tín mà lại có phát ngôn vô cảm và vô trách nhiệm như vậy? Nếu là người dân bình thường cũng là khó chấp nhận rồi, đằng này lại là một con người có học thức và địa vị xã hội nhất định...!”.

Các nhà báo tác nghiệp trong buổi trao giải đua xe đạp quốc tế Bình Dương mở rộng lần thứ II tại thị xã Đồng Xoài (ảnh minh họa) - Ảnh: B.LCác nhà báo tác nghiệp trong buổi trao giải đua xe đạp quốc tế Bình Dương mở rộng lần thứ II tại thị xã Đồng Xoài (ảnh minh họa) - Ảnh: B.L

Làm báo là một nghề có trách nhiệm xã hội cao, không chỉ ở kỹ năng tác nghiệp mà còn song hành với đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, nói đến trách nhiệm xã hội của báo chí, trước hết phải là trách nhiệm xã hội của bản thân nhà báo. Mọi sự vội vã, nôn nóng, thiếu tỉnh táo của nhà báo thường dẫn đến kết cục đáng tiếc.

Vừa qua, khi cả chủ xe và những nạn nhân xấu số thương vong trên một xe khách xảy ra tại Lào đang đau đớn, bi thương thì có một nhà báo của tờ báo Trung ương khá uy tín lại viết một bài với hàng tít “Vụ nổ xe khách tại Lào: Nhà chủ xe đóng cửa im ỉm dù có người bên trong”. Làm sao chủ nhà xe lại có thể nhởn nhơ khi xe của mình bị cháy, trách nhiệm với các nạn nhân thì vẫn đè nặng lên đó... Có người bên trong hay không thì sao? Có liên quan gì đến vụ nổ xe, đến nỗi đau mà người liên quan đang phải trải qua? Nhà báo mới thấy hiện tượng đã suy diễn, tự cho mình cái quyền soi xét!

Xa hơn, vụ thảm sát ở Minh Hưng, Chơn Thành năm 2015. Dư luận từng bức xúc vì ngay cả đám tang cũng thành “cơ hội làm ăn” của một số phóng viên. Họ chen lấn, xô đẩy nhau, cố kiếm được bức ảnh “độc”, nhặt nhạnh được vài câu chuyện bên lề, mặc kệ tang lễ bi ai đang diễn ra.

Ở nhiều vụ việc khác, khi nỗi đau đang chồng chất thì một số nhà báo lại khoét sâu hơn qua việc khai thác khía cạnh người nhà nạn nhân đau khổ ra sao, uất hận thế nào... và căn vặn để người ta nói ra cảm xúc của mình. Nỗi đau nhìn là đã thấy căm phẫn kẻ gây tội ác. Có cần phải bới móc thêm như thế?

Mỗi nhà báo, khi viết bài phê phán, lên án nên đặt mình và người thân vào đối tượng bị phê phán trong bài báo, khi đó sẽ cảm nhận được mình có chịu nổi cảm giác đối mặt với sức ép dư luận hay không? Có cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương, uất ức, bị hủy hoại bởi bài báo đó không? Chỉ như thế, nhà báo mới công tâm, khách quan, chuẩn xác, không suy diễn thiếu căn cứ. Một nhà báo có tâm là không bao giờ bới móc đời tư và tuyệt đối cấm mọi sự suy diễn theo kiểu “tát nước theo mưa”, viết bài một cách tàn nhẫn, lạnh lùng dồn đối tượng phản ánh đến chân tường.

Nhà báo mà vô cảm thì thật là nguy hại. Đại văn hào Nga Marsim Gorky đã từng quan niệm: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Tình thương chính là nền tảng để xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, phân biệt giữa người và ác thú. Thế nhưng, có một mặt trái đáng buồn trong xã hội chúng ta hiện nay là một số nhà báo đang dần mất đi tình thương cảm, lòng trắc ẩn, chỉ nghĩ cho bản thân, vì những đam mê tầm thường, vì cám dỗ vật chất.

Thời kỳ bùng nổ thông tin, mạng xã hội lan truyền như hiện nay, gần như không thể kiểm chứng được thông tin, thì trách nhiệm của tờ báo, của nhà báo trong việc đưa tin trung thực, chính xác, khách quan để định hướng dư luận là vô cùng quan trọng. Dư luận xã hội hiện nay nói nhiều đến đạo đức nghề báo, cái “tâm” của nhà báo khi tác nghiệp cũng chính vì một phần bệnh vô cảm đang lan dần trong tâm một số nhà báo... Với những ai đã dấn thân vào nghề này thì cần xác định rõ không bao giờ được phép lạnh lùng, vô cảm!

An Nhiên

  • Từ khóa
55389

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu