Thứ 6, 19/04/2024 20:27:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 20:48, 24/04/2015 GMT+7

Nhà báo chiến trường - Những dòng tin, bức ảnh thấm máu đỏ anh hào

Thứ 6, 24/04/2015 | 20:48:00 1,504 lượt xem
BPO - “Chúng ta cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm, ký ức về cuộc chiến. Sẽ có những cảm xúc khác nhau và những góc nhìn khác nhau, song có lẽ, chúng ta sẽ cùng chung một nhận định, đánh giá: khát vọng hòa bình là khát vọng vĩnh hằng của mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã cầm súng, và nếu tiếp tục phải cầm súng, cũng là để cho hòa bình mãi trường tồn trên mảnh đất này.”
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi đã phát biểu như vậy tại tọa đàm “Báo chí về đề tài chiến tranh-Tác nghiệp của phóng viên chiến trường,” chiều nay (24-4), tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, với sự tham gia của gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế.

Nơi máu đỏ thấm đẫm mỗi dòng tin…

Cuộc tọa đàm diễn ra tại Thông tấn xã Việt Nam, mang ý nghĩa đặc biệt trong những ngày tháng Tư kỷ niệm 40 năm đại thắng mùa Xuân. Bởi chính từ nơi đây, lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên đã lên đường ra trận và 260 người trong số đó, gần một phần tư số lượng biên chế của Thông tấn xã thời chiến đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Máu đỏ của các anh, các chị đã thấm đẫm trong mỗi dòng tin, bức ảnh, bài viết được gửi về từ chiến trường khốc liệt.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, những người làm báo Việt Nam, trong đó có đội ngũ đông đảo những người làm báo của Thông tấn xã Việt Nam đều thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Họ đã có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến đấu, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân, ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử.

Có mặt tại cuộc tọa đàm, hơn 20 cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Tiền Phong… cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan báo chí, nhà báo trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ phương thức tác nghiệp, những trải nghiệm, ký ức và cả những góc nhìn của riêng mình về cuộc chiến.

Trong suốt các cuộc trường chinh của dân tộc, những nhà báo cách mạng như Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Phạm Hoạt, Dương Đức Quảng, Trần Mai Hưởng, Nguyễn Thiệp… luôn có mặt ở những nơi gian nan nhất, ác liệt nhất, đương đầu với mọi hy sinh, gian khổ, để truyền đi những thông tin trung thực từ những vùng đất nóng bỏng đạn bom, góp phần cổ vũ, động viên và làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước.

“Câu chuyện chiến tranh này đã diễn ra cách đây 40 rồi, khi ấy tôi vẫn còn rất trẻ. Trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam thời điểm đó, báo chí của các bạn đã rất minh bạch. Chính phủ Việt Nam trong suốt các cuộc chiến tranh cũng luôn cố gắng giúp đỡ cho các nhà báo có thể ghi lại tình hình chiến sự một cách trung thực nhất,” chuyên gia đến từ Đại học Tổng hợp Viên, Áo, ông Andreas Enzminger cho biết quan điểm như vậy tại cuộc tọa đàm.
 
Xe tăng và bộ binh quân Giải phóng đánh chiếm căn cứ Đồng Dù sáng 29-4-1975

Chân dung những nhà báo-chiến sỹ

Có cơ hội hoài niệm về một thời kỳ nhiều mất mát, gian khổ nhưng anh hùng, phóng viên chiến trường Dương Đức Quảng khẳng định: “Chúng tôi không chỉ là những phóng viên, vào chiến trường để ghi lại ảnh của cuộc chiến mà bản thân chúng tôi cũng chiến đấu như những người lính, sống chết như những người lính.”

Trong khi đó, từng là phóng viên chiến trường, đã có mặt tại Dinh Tổng thống của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, là tác giả của bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30-4-1975” và nguyên là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Mai Hưởng chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào là phóng viên của một hãng thông tấn có nhiều thế hệ gắn bó với chiến trường, gắn bó với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.”

Theo ông Trần Mai Hưởng, không chỉ kinh nghiệm mà bản lĩnh được hình thành từ chiến tranh đã giúp ích cho những người làm báo sau này. Rất nhiều đồng nghiệp của ông sau các cuộc chiến ác liệt trở về đã trở thành những là lãnh đạo trong các cơ quan báo chí, theo kịp yêu cầu phát triển của thế giới.

“Tất nhiên, mỗi thế hệ có một nhiệm vụ riêng, mỗi thời kỳ có một yêu cầu riêng nhưng tôi nghĩ những kinh nghiệm và hiểu biết trong thời kỳ chiến tranh rất có ích,” ông Mai Hưởng nhấn mạnh.

Dẫu chỉ là lát cắt rất nhỏ về những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, những nhà báo, người lính Việt Nam tham dự cuộc tọa đàm đã mang đến những cái nhìn trung thực về một thời kỳ dẫu đau thương nhưng cũng đầy hào hùng của tổ quốc, thời kỳ mà mỗi người dân Việt Nam khi nhìn lại đều có quyền ngẩng cao đầu.

Đặc biệt, hơn 40 tác phẩm ảnh báo chí của các nhà báo chiến trường, trong đó có một số của tác giả nước ngoài được trưng bày bên lề cuộc tọa đàm đã góp phần tái hiện những khoảnh khắc đỉnh điểm không chỉ của sự kiện, của cảm xúc mà còn cả của sự dấn thân, một phẩm chất không thể thiếu của những nhà báo chiến trường.
 
Tọa đàm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo quốc tế “Báo chí về đề tài chiến tranh” do Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Báo Quân đội Nhân dân và Truyền hình Viettel phối hợp tổ chức.

Nguồn TTXVN 

  • Từ khóa
12994

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu