Thứ 5, 25/04/2024 18:02:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 22:06, 04/04/2019 GMT+7

Đề tài khoa học nghiên cứu về vai trò của già làng và người có uy tín sẽ nghiệm thu lại

Thứ 5, 04/04/2019 | 22:06:00 249 lượt xem
BPO - Ngày 4-4, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh họp tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Vai trò của già làng và người có uy tín trong phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước”.

Đề tài do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trường đại học Thủ đô Hà Nội làm chủ nhiệm.

Theo tài liệu tại cuộc họp, đến hết năm 2017, Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số với hơn 191.400 người, chiếm 19,4% dân số toàn tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 82 hội đồng già làng tại 82 xã, phường, thị trấn với 521 già làng; có 347 người có uy tín được UBND tỉnh công nhận trên địa bàn 343 thôn, trong đó có 119 người có uy tín là già làng.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Anh Dũng phát biểu tại cuộc họp

Mục tiêu của đề tài nhằm điều tra, khảo sát, nghiên cứu để làm sáng tỏ vai trò, vị trí của già làng và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh. Đánh giá những mặt tích cực và hạn chế nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phù hợp làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách để phát huy hiệu quả vai trò của già làng và người có uy tín trong cộng đồng đối với việc phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.

Đề tài đã chọn phạm vi nghiên cứu tại 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đăng và sử dụng các phương pháp điền dã dân tộc học, phương pháp chuyên gia, thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp… Kết quả nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra những tương đồng và khác biệt trong vai trò của già làng và người có uy tín qua 12 tiêu chí đánh giá; 3 điểm kết nối, 4 yếu tố ảnh hưởng làm suy giảm vai trò của già làng và người có uy tín; 3 nguyên nhân làm hạn chế hoạt động của họ; 6 xu hướng biến đổi vai trò của già làng và người có uy tín; 4 bài học kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò của họ trong bối cảnh hiện nay.

Các nhà phản biện khoa học cho rằng: Đề tài cần nêu rõ đã kế thừa những điều gì, cũng như đưa ra những phản biện đối với các công trình nghiên cứu trước; trích dẫn thêm kết quả các cuộc phỏng vấn sâu để tăng độ tin cậy. Cần xem xét lịch sử vùng miền, đặc biệt bổ sung nghiên cứu theo lý thuyết uy quyền truyền thống, uy quyền pháp lý, uy quyền thiên phú. Việc đề ra giải pháp cần phải cụ thể đối với từng già làng, địa bàn cụ thể.

Nhóm thực hiện đề tài đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên hội đồng và phản biện. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Anh Dũng cho biết đề tài là cơ sở hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trật tự… đối với vùng đồng bào DTTS nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.

Hội đồng khoa học tỉnh nhất trí chưa thông qua kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả, đồng thời đề nghị tiếp thu góp ý và chỉnh sửa hoàn thiện để nghiệm thu lại trong tháng 5-2019.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
99006

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu