Thứ 5, 25/04/2024 03:05:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:17, 04/12/2016 GMT+7

Nguy cơ tai nạn do đi sai làn và phần đường

Chủ nhật, 04/12/2016 | 07:17:00 323 lượt xem
BP - Những năm qua, tai nạn giao thông ở Bình Phước tuy đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, người bị thương nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn đường, lấn tuyến... diễn ra rất phổ biến. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua.

BÁT NHÁO TRONG LƯU THÔNG

Mặc dù ngành chức năng đã đặt dải phân cách cứng trên các tuyến đường ĐT741, quốc lộ 13 và 14... thế nhưng một bộ phận người điều khiển xe máy vẫn thản nhiên đi ngược chiều. Tại tuyến đường ĐT741 đoạn qua xã Tân Lập (Đồng Phú) tình trạng người dân đi ngược chiều khá phổ biến. Anh N.V.H ở mặt tiền đường ĐT741, xã Tân Lập cho biết: “Nhà tôi cùng phía và cách chợ khoảng 500m. Đoạn đường ĐT741 qua nhà tôi có dải phân cách và không có chỗ quay đầu xe. Nếu đúng luật thì tôi phải đi vòng mất gần 2km để từ nhà ra chợ. Vì vậy, tôi chọn cách đi ngược chiều để đến chợ, dù biết vi phạm luật giao thông và nguy hiểm”.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông tại thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H

Không chỉ anh H mà nhiều người khi lưu thông vẫn đi ngược chiều, lấn sang làn đường dành cho xe ôtô. Khi được hỏi về lưu thông trái luật họ đều biện minh là mất thời gian nếu tuân thủ đúng quy định. Thượng tá Lâm Văn Long, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết: “Dải phân cách được đặt theo đúng quy định, nhưng do ý thức người dân chưa cao, họ chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm về tài sản, tính mạng của mình và người xung quanh nên không chấp hành. Đặc biệt, trên một số tuyến đường, tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh buôn bán, buộc các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy phải lấn làn để lưu thông. Việc đi sai làn đường, phần đường rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao”.

HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Tình trạng người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, lấn làn không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh. Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào giữa tháng 10-2016 trên quốc lộ 13, đoạn thuộc ấp 3, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) là một minh chứng điển hình về hậu quả của đi sai làn đường. Xe ôtô 7 chỗ biển số 71A-020.62 do tài xế Phạm Hồng Lợt (1984) trú tỉnh Bến Tre đi từ Chơn Thành đến thị xã Bình Long đã tông vào xe đạp điện chạy cùng chiều phía trước nhưng ở làn đường dành cho xe ôtô do ông Nguyễn Văn Quý (1943) điều khiển chở vợ là Nguyễn Thị Mai (1947) trú thị trấn Chơn Thành. Hậu quả bà Mai chết tại chỗ, còn ông Quý tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) sau đó không lâu.

Anh T.V.T ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, lái xe khách từ Đồng Xoài đi thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mặc dù đã có dải phân cách cố định và vạch kẻ làn đường dành cho các loại xe nhưng tôi thường xuyên thấy người dân đi ngược chiều hoặc chạy quá tốc độ, lấn sang làn đường dành cho xe ôtô, nhất là đoạn qua Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú. Nhiều trường hợp tài xế không thể xử lý kịp thời nên nguy cơ gây ra tai nạn bất cứ lúc nào”.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2015 và 8 tháng năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 514 vụ tai nạn giao thông, làm chết 303 người, 528 người bị thương, thiệt hại 152 ôtô, 617 môtô, 20 phương tiện khác. Trong đó, có 191 vụ đi sai phần đường, làn đường, chiếm 37,1% số vụ tai nạn xảy ra. Điều đáng lo ngại là các vụ tai nạn giao thông do vi phạm đi sai làn, lấn tuyến đang có xu hướng tăng cao.

NÂNG CAO NHẬN THỨC LÀ CHÍNH

Để giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, những năm qua Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt trên các trục đường chính như ĐT741, quốc lộ 13 và 14... Nâng cao công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là những quy định về xử phạt các hành vi đi ngược chiều, lấn đường, đi sai làn đường để giúp người dân tự giác chấp hành khi tham gia giao thông.

Trong 10 tháng năm 2016, Phòng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa bàn tổ chức được 23 đợt tuyên truyền về các nội dung an toàn giao thông với gần 7.200 lượt người tham dự. Tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông qua chiếu phim tư liệu, phóng sự tại những nơi tiếp dân của phòng CSGT với khoảng 1.880 giờ; tuyên truyền lưu động và qua loa đài phát thanh trên các tuyến đường được 300 giờ. Phối hợp với Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh đưa 16 tin, bài trên Báo Bình Phước và phóng sự tuyên truyền về an toàn giao thông trên sóng truyền hình. Phòng CSGT Công an tỉnh còn tổ chức cho 25.000 hộ dân cam kết chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, 44 chủ phương tiện, tài xế cam kết không vi phạm chở hàng quá tải trọng.

Thượng tá Lâm Văn Long cho hay: “Ngoài các biện pháp này, phòng còn phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng xóa các điểm đen về tai nạn giao thông. Xử lý triệt để những điểm kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông. Trong 10 tháng năm 2016 đã kiểm tra, nhắc nhở 300 trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Đặc biệt tổ chức kiểm tra, đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện để hạn chế tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, khi tham gia giao thông người dân cần nâng cao ý thức chấp hành về quy định làn đường. Không nên vì một thói quen, một chút vội vàng để gánh lấy những hậu quả khôn lường cho bản thân và những người xung quanh”.

Thùy Hương

  • Từ khóa
32101

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu