Thứ 6, 19/04/2024 12:37:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:31, 03/08/2017 GMT+7

Nguy cơ cháy nổ từ kiểu nhà ở kết hợp kinh doanh

Thứ 5, 03/08/2017 | 06:31:00 359 lượt xem
BP - Nền kinh tế của tỉnh trong những năm qua có sự phát triển vượt bậc, kéo theo đó là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Vì thế nhu cầu về nhà ở kết hợp hoạt động thương mại - dịch vụ, kho hàng ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều gia đình ở các khu trung tâm đã tận dụng nhà ở để trưng bày và bán hàng, do đó nguy cơ cháy nổ rất cao.

Những cảnh báo không thừa

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn từ loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Điển hình như: Khoảng 1 giờ ngày 15-2-2017, tại cửa hàng quần áo, giày dép Thủy Trinh khu vực chợ đêm Đồng Xoài, thuộc khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú (Đồng Xoài) do anh Trần Thanh Tâm (SN 1976) làm chủ đã xảy ra hỏa hoạn gây hậu quả thương tâm. Vụ cháy đã làm vợ anh Tâm cùng con trai tử vong. Ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ cửa hàng gồm quần áo, giày dép, túi xách trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cửa hàng giày dép H&T kế bên cũng bị ngọn lửa cháy lan sang thiêu rụi một số hàng hóa, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 1 tỷ đồng.

Lực lượng cảnh sát PCCC hướng dẫn các chủ hộ kinh doanh sử dụng bình chữa cháy cá nhân

Trước đó, ngày 28-1 đã xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi quán nhậu Kiều Trang tại khu phố 3, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Đám cháy còn lan sang quán nhậu hải sản Bờ Kè, nhưng được cứu chữa kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. Sau đó một ngày, ở tổ 2, ấp 1, xã Tân Khai (Hớn Quản) tiếp tục xảy ra vụ cháy tại quán cơm Nam Bộ. Ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều đồ đạc trong quán cơm, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng, rất may không thiệt hại về người.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ như: Cửa hàng tạp hóa, điện gia dụng, cửa hàng quần áo, giày dép, nhà nghỉ, karaoke...khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên các gia đình lại không chú trọng việc đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tự ý cơi nới, cải tạo sai với thiết kế ban đầu; lắp đặt biển quảng cáo lớn, xung quanh căn nhà thường bị bịt kín; hệ thống điện mắc chằng chịt; hàng hóa sắp xếp cồng kềnh, chắn lối ra vào; chứa nhiều vật liệu dễ cháy nổ; không có lối thoát hiểm...

Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác kiểm tra chuyên đề “Khu dân cư và nhà phố kết hợp kinh doanh” trên địa bàn tỉnh năm 2017. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ trữ khối lượng hàng hóa dễ cháy như hàng tạp hóa, quần áo, vải, chăn, ga, gối nệm, vàng mã, đồ nhựa gia dụng, kim khí điện máy... Hầu hết các hộ kinh doanh lắp đặt cửa cuốn kim loại chạy bằng điện để đóng mở, nhưng lại không có phương án dự phòng mở cửa trong trường hợp mất điện. Thậm chí, nhiều hộ tiết kiệm không gian đã tháo luôn hệ thống xích điều khiển bằng tay dùng trong trường hợp cúp điện. do đó khi xảy ra hỏa hoạn mà mất điện thì việc mở cửa cuốn thoát ra ngoài là không thể. Ngoài ra, diện tích các cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở không lớn, thường tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hóa; các mặt hàng được bày la liệt dưới sàn nhà, chiếm lối đi lại, thậm chí cầu thang lên xuống cũng được tận dụng để hàng hóa. Nhiều hộ kinh doanh bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Mặt khác có dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ... đặt gần hàng hóa, vật dụng dễ cháy xung quanh. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn...

Tình trạng lắp đặt, sử dụng hệ thống điện trong cửa hàng còn nhiều bất cập, câu mắc điện tùy tiện, hệ thống dây chằng chịt đi dưới mái tôn, la phông, lớp cách nhiệt, thậm chí luồn qua các đống hàng hóa dễ cháy, do đó nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngoài ra, dây điện được đấu nối quá dài và cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện chung một ổ cắm nên dễ bị quá tải gây cháy... Mặt khác, việc trang bị phương tiện PCCC tại chỗ hầu như chỉ để đối phó, trang bị không đầy đủ, không phù hợp với môi trường xung quanh. Việc bảo quản, bảo dưỡng không được quan tâm thường xuyên nên nhiều bình chữa cháy bị rỉ sét, hết chất chữa cháy, hư hỏng, không sử dụng được... Một thực trạng đáng báo động là việc nắm bắt kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác PCCC của nhiều hộ kinh doanh còn mơ hồ, chưa xác định được các nguy cơ xảy ra cháy tiềm ẩn bên trong nhà để loại trừ, phòng ngừa... 

Các tổ công tác đã kiểm tra 307 cơ sở kinh doanh, lập 307 biên bản kiểm tra hướng dẫn. Đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh khắc phục tồn tại, vi phạm quy định về PCCC; lập biên bản xử lý 6 cơ sở vi phạm an toàn PCCC với tổng 5 triệu 300 ngàn đồng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kết hợp các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn an toàn về PCCC, nhất là kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi xảy ra cháy nổ. Đồng thời xử lý nghiêm, thậm chí là tham mưu rút giấy phép kinh doanh các cơ sở, hộ kinh doanh đã được kiểm tra hướng dẫn nhưng không khắc phục thiếu sót về an toàn PCCC. Để hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra, nhất là những nhà ở kết hợp kinh doanh, ngoài tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như hướng dẫn kiến thức về PCCC, hơn ai hết các chủ hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định về an toàn PCCC, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực này.

Minh Chính

  • Từ khóa
93332

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu