Thứ 6, 29/03/2024 20:56:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 11:53, 19/06/2016 GMT+7

Chuyện vợ chồng người lái đò trên hồ Thác Mơ

Chủ nhật, 19/06/2016 | 11:53:00 314 lượt xem
BP - Mùa khô, nước hồ thủy điện Thác Mơ cạn để lộ những khoảnh đất, bãi bồi hai bên bờ hồ. Người dân các xã quanh hồ (thuộc thị xã Phước Long và huyện Bù Đăng) tranh thủ đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập. Tại thôn 4, xã Minh Hưng (Bù Đăng) có vợ chồng ông Bùi Xuân Thanh (1960) và bà Nguyễn Thị Hoa (1961) mưu sinh bằng nghề lái đò đã gần 15 năm nay.

Vợ chồng ông Thanh dập dềnh mưu sinh bằng nghề lái đò đã 15 nămVợ chồng ông Thanh dập dềnh mưu sinh bằng nghề lái đò đã 15 năm

Bến đò nhỏ...

Chúng tôi biết tới vợ chồng ông lái đò trên hồ thủy điện Thác Mơ trong một lần đến thăm nhà người bạn ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Sau hơn 30 phút vượt qua rẫy điều, lô cao su, chúng tôi thấy thấp thoáng bên bờ đối diện 2 chiếc đò đang nằm chờ khách.

Mờ sáng, ông Bùi Xuân Thanh bắt đầu công việc của một ngày mới, đón khách cách bến Gõ 3km. Ông Thanh quê ở Quảng Nam, theo cha mẹ vào Bù Đăng lập nghiệp từ nhỏ. Khúc sông ở thôn 4, xã Minh Hưng là nơi kiếm kế sinh nhai của vợ chồng ông Thanh đã 15 năm qua. Ông Thanh kể: “Trước tôi chạy xe ôm. Ở đây khi đó chỉ có những người đánh cá trên sông chứ chưa có bến đò này. Lúc đầu, những người đánh cá chở giúp người dân qua sông bằng thuyền độc mộc. Dần dần, người dân quen với việc lưu thông bằng đường thủy nên bến đò được hình thành do một vợ chồng quê ở miền Tây lên đóng đò chở khách. Sau đó, vợ chồng tôi mua lại con đò và chuyển nhà ra sát bờ sông sinh sống cho tới nay. Con đò của chúng tôi trước đây là phương tiện duy nhất chở khách qua lại hai bên bờ, vì lúc đó chưa có con đường nối liền hai xã Minh Hưng và Bình Minh.

Và nghiệp đưa đò

“Đò ơi”! Chỉ cần nghe tiếng gọi ấy, bất kể ngày nắng, đêm mưa, vợ chồng ông Thanh - bà Hoa lại phấn khởi, miệt mài chở khách qua sông. Quanh năm làm bạn với sông nước, vợ chồng ông chắt chiu, gom góp từng đồng bạc lẻ chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Ông Thanh cho biết: “Nghề đưa đò thất thường như thời tiết vậy, hôm nào mưa nhiều thì không có khách. Phần đông những người làm nghề chèo đò đều nghèo, nhà cửa tạm bợ, đời sống bấp bênh, làm ngày nào ăn ngày đó. Con cái cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng đổi nghề thì chúng tôi không biết làm gì kiếm sống”.

Mùa khô năm nay, mực nước xuống thấp hơn năm ngoái, trung bình mỗi ngày nước rút nửa phân. Năm ngoái ông Thanh đã tạm “gác mái” một thời gian vì nước cạn. Năm nay, ông đã cải tạo con thuyền bằng cách hàn ray bằng sắt trước thuyền dài 3m để thuyền cập bờ. Ông cũng hàn những ray sắt trên bờ dài gần 10m để người dân có thể chạy xe máy xuống thuyền dễ dàng trong mùa nước cạn. “Mùa này, chủ yếu người dân đi đò nhiều là do thu hoạch nông sản và chống hạn nên tôi phải tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Mùa nước cạn, đò không chèo được phải đợi đến tháng 9 mới có người dân đi cạo mủ sang sông” - ông Thanh chia sẻ.

Khách đi đò thường ngày là những người làm rẫy hay người dân hai xã Minh Hưng và Bình Minh qua lại. Mùa gieo trồng hay thu hoạch điều, cao su, vợ chồng ông phải thay phiên nhau chạy đò. Trung bình một lượt khách giá 5.000 đồng. Dịp mùa vụ, người dân qua lại nhiều bình quân mỗi ngày ông thu nhập 400-500 ngàn đồng/ngày.

Tại bến Gõ, hiện hai bên bờ đã cạn khô đáy, lộ ra bãi đất phù sa màu mỡ. Nhiều hộ tìm đến đây đánh bắt cá hay trồng hoa màu... Ông Thanh nói về ngôi nhà lụp xụp bên bờ sông của một vợ chồng quê ở Sóc Trăng làm nghề chài lưới gần 10 năm nay: Mùa nước cạn, con cá, con tôm cũng nhiều, dễ thả lưới đánh bắt nên mỗi ngày họ cũng kiếm được 300-400 ngàn đồng.

Lòng hồ thủy điện Thác Mơ mỗi khi mùa mưa lũ, dòng nước cuộn đục phù sa và có những vùng nước xoáy rất nguy hiểm. Có 1 đêm, khi tôi đang ngủ bỗng có tiếng gọi đò từ bên kia sông. Biết có chuyện, tôi cố đưa đò sang dù dòng nước chảy xiết. Khi họ lên đò, tôi thấy một người phụ nữ đang trong tình trạng sắp sinh. Nhiều đêm, người dân ốm đau tôi vẫn chở họ qua sông để kịp đến cơ sở y tế.

Ông Bùi Xuân Thanh

Vũ Nam

  • Từ khóa
55268

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu