Thứ 5, 25/04/2024 11:26:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:29, 21/11/2017 GMT+7

Nguồn tài nguyên biển ở quần đảo Cô Tô

Thứ 3, 21/11/2017 | 14:29:00 761 lượt xem

BP - Theo quy hoạch tại các quyết định ban hành năm 2010 và năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 2 khu bảo tồn biển (KBTB). Đó là KBTB Cô Tô với diện tích 7.850 ha và KBTB đảo Trần với diện tích 4.200 ha. Tại danh mục quy hoạch các KBTB đến năm 2020 và năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ, KBTB Cô Tô có diện tích đất liền 3.850 ha và mặt biển là 4.000 ha. Đây là vùng biển đảo có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch; đồng thời có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh của đất nước.

Một góc biển đảo Cô Tô - ảnh internet

Cô Tô là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, quản lý vùng quần đảo gồm khoảng 50 đảo ở phía đông tỉnh. Đảo Cô Tô là nơi duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho xây dựng tượng của mình khi Người ra thăm ngày 9-5-1961. Cô Tô được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm với trữ lượng lớn nhất ở vùng biển Bắc bộ. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, nhất là các khu vực ven bờ. Nguyên nhân do sự khai thác quá mức của con người, kết hợp sử dụng các phương pháp khai thác mang tính hủy diệt hàng loạt, như xung điện, chất nổ, thuốc độc, lưới mắt nhỏ. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và hậu quả của biến đổi khí hậu đã khiến nguồn lợi thủy sản ở đây suy giảm đáng kể. Từ thực tế đó, việc quy hoạch xây dựng KBTB ở Cô Tô nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội bền vững trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Huyện đảo đã mời các nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm giải pháp tái sinh vùng san hô đang có nguy cơ bị hủy diệt. Dựa trên kết quả thử nghiệm, các nhà khoa học đã trồng san hô trên diện rộng với 700 tập đoàn san hô dạng vòm, 450 tập đoàn trên diện tích 300m2 gồm nhiều giống san hô khác nhau. Sau một năm rưỡi đã cho kết quả tỷ lệ san hô sống tương đối cao, tốc độ phát triển tốt.

Người dân Cô Tô đang rất mong dự án xây dựng KBTB sớm được triển khai. Qua đó, góp phần quản lý, khai thác bền vững các nguồn lợi thủy sản ở khu vực. Theo các nhà khoa học, việc xây dựng KBTB Cô Tô là giải pháp khả thi nhất nhằm quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên biển và hiệu quả mang lại từ khu bảo tồn này là rất lớn. KBTB là nơi tốt nhất để bảo tồn các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng đối với các loài; tăng tính đa dạng, kích cỡ các cá thể và quần thể; thành phần loài tự nhiên; tạo hiệu ứng tự phục hồi, tái tạo nguồn giống... KBTB Cô Tô cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tràn, tức là phát tán ấu trùng và con trưởng thành ra vùng biển bên ngoài khu bảo tồn. Qua đó có tác động khôi phục, duy trì và tăng năng suất nghề đánh bắt hải sản. KBTB cũng sẽ tạo ra các lợi ích, là nơi nghiên cứu về biển, góp phần tăng hiểu biết khoa học, quan trắc biển; bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên thiên nhiên...

Những năm gần đây, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện để thành lập khu bảo tồn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, huyện đảo Cô Tô đã khai thác hiệu quả cảnh quan tự nhiên để xây dựng những tuyến du lịch, kết nối các điểm tham quan như Khu di tích tượng đài Bác Hồ, cánh rừng nguyên sinh, hải đăng, bãi đá Cầu Mỵ, đê chắn sóng, bãi tắm và các tuyến tham quan mới tại đảo Thanh Lân, Cô Tô con và một số hòn đảo nhỏ lân cận... Năm 2016, lượng khách du lịch đến huyện Cô Tô tăng đột biến, với trên 300 ngàn lượt du khách, trong đó có 676 lượt du khách nước ngoài, tổng doanh thu ước đạt trên 400 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng đối với huyện đảo trong dịch vụ du lịch. Nếu so với dân số của huyện Cô Tô thì số lượng khách du lịch ra đảo năm 2016 gấp 50 lần. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết có tham khảo nguồn quangninh.gov.vn.

  • Từ khóa
111304

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu