Thứ 6, 29/03/2024 00:20:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:34, 19/05/2015 GMT+7

Nguồn nhân lực trẻ - Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 3, 19/05/2015 | 14:34:00 286 lượt xem

BP - Bình Phước vừa đăng cai tổ chức lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm Đông Nam bộ lần thứ 12/2015. Trong số 220 đại biểu của toàn cụm, Bình Phước có 25 đại biểu đại diện cho các bạn trẻ trong tỉnh trên tất cả các lĩnh vực tham dự. Mỗi đại biểu dự liên hoan là một tấm gương điển hình trong học tập, lao động theo gương Bác. Đây thực sự là cơ hội tốt để tuổi trẻ tỉnh nhà tiếp cận những cái hay, cái tốt của tuổi trẻ các tỉnh thành trong học tập, lao động sản xuất. Ngay tháng trước, UBND tỉnh cũng đã tổ chức buổi đối thoại với thanh niên. Liên tiếp các sự kiện liên quan đến thanh niên trong thời gian ngắn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với các vấn đề của tuổi trẻ. Và tại buổi đối thoại này có đến 15 lượt câu hỏi liên quan đến vấn đề đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên đã được gửi đến các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tuổi trẻ tỉnh nhà.

Chẳng riêng gì Bình Phước, đào tạo nghề, giải quyết việc làm là vấn đề chung của tuổi trẻ cả nước. Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong số hơn 90 triệu dân hiện nay, thanh niên (16-30 tuổi) có hơn 25 triệu người. Đây là lực lượng có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ của chúng ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chỉ đạt 3,78/10 điểm về năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực thấp ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, đến phát triển kinh tế - xã hội và lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Trong đào tạo nhân lực, hạn chế của ta chính là khâu đào tạo kỹ năng cho người học. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với 3.000 sinh viên tốt nghiệp gần đây cho thấy có gần 27% sinh viên chưa có việc làm. Trong số đó có tới 61% thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm, chỉ có 32% được xác nhận thiếu kiến thức chuyên môn. Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên hồi đầu tháng 4 vừa qua, đoàn viên Đỗ Thị Mỹ Hạnh của Huyện đoàn Bù Đăng cũng đã nêu lên tình trạng thanh niên trong huyện sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp không xin được việc làm hoặc phải chấp nhận làm việc trái ngành nghề được đào tạo.

Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo là không dễ. Để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ đã được đào tạo, kích thích, cổ vũ số học sinh, sinh viên đang theo học ở các trường dạy nghề hay các trường đại học, cao đẳng, Nhà nước cần có sự can thiệp bằng những chính sách thiết thực tạo việc làm, nhằm giảm áp lực cho thanh niên.

Một trong những mục tiêu của “Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020” là giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên, mỗi năm giải quyết việc làm cho ít nhất 600.000 thanh niên, trên 80% thanh niên được tư vấn nghề nghiệp và việc làm. Giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 7% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống dưới 6%. Thực hiện được những mục tiêu cụ thể này sẽ góp phần to lớn vào việc sử dụng nguồn nhân lực trẻ hiện nay ở nước ta - một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu