Thứ 6, 29/03/2024 02:59:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:20, 28/11/2015 GMT+7

CUỘC VẬN ĐỘNG NGƯỜI VIỆT ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT:

Nguồn lực để phát triển đất nước

Thứ 7, 28/11/2015 | 13:20:00 1,105 lượt xem

BP - Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tổ chức MTTQ và đoàn thể các cấp. Hơn 6 năm qua, CVĐ đã đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng và tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của mỗi người dân. Để CVĐ này thực sự là động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị về công tác tuyên truyền và sự nhạy bén, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

TỪ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Để khuyến khích người dân sử dụng, tiêu dùng hàng Việt Nam sản xuất, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 về tổ chức CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/2012/CT-TTg, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Kết luận số 107/KL-TW ngày 10-4-2015 về việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và CVĐ này đã chính thức được thực hiện từ tháng 8-2009. Hơn 6 năm, CVĐ đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Quang Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh (thứ tư, phải qua) đến dự khai trương điểm bán hàng Việt Nam tại QL14, gần ngã tư TX. Đồng Xoài đầu tháng 1-2015Ông Huỳnh Quang Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh (thứ tư, phải qua) đến dự khai trương điểm bán hàng Việt Nam tại QL14, gần ngã tư TX. Đồng Xoài đầu tháng 11-2015

Cụ thể là doanh nghiệp trong nước đã chú trọng xây dựng thương hiệu, quan tâm đến chất lượng hàng hóa... Về phía người tiêu dùng đã ý thức rõ hơn việc tiêu dùng, sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng tiêu dùng của doanh nghiệp trong nước... Điều đáng ghi nhận là CVĐ đã hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng, văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng thời qua đó dần xóa bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong nhân dân.

NHỮNG THƯƠNG HIỆU VIỆT CÓ CHỖ ĐỨNG
TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Có lẽ không khó nhận ra những thương hiệu Việt không chỉ được người dân trong nước mà cả ở nhiều nước trên thế giới, đó là: Sữa Vinamilk, yến sào Khánh Hòa, cà phê Trung Nguyên, bột giặt OMO, khóa cửa cao cấp Huy Hoàng, gốm sứ Minh Long, hàng may mặc Việt Tiến, dây tải điện Cadivi, bóng đèn Điện quang... Với những sản phẩm ấy, chúng ta vui mừng, tôn vinh và sẻ chia cùng các ông chủ doanh nghiệp mang thương hiệu Việt. Vì chính họ là những người đã dày công gầy dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ, tài sản, công sức, trí tuệ để có được những sản phẩm made in Vietnam. 

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ người lao động, hỗ trợ đắc lực của người tiêu dùng thì vẫn rất cần Nhà nước có những cơ chế thích ứng hỗ trợ tốt hơn về vốn, công nghệ, thông tin thị trường... Vì đây chính là một trong những nguồn lực không thể thiếu của doanh nghiệp trong nước để mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.

CẦN LOẠI BỎ CÁCH LÀM “ĂN XỔI”

Bên cạnh những mặt hàng có thương hiệu, uy tín với khách hàng thì vẫn đang tồn tại nhiều lối làm ăn chụp giật, không có chiến lược xây dựng thương hiệu, không quan tâm đến việc tạo uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng hàng hóa, dịch vụ... như: Đồ nhôm, nhựa, ổ cắm điện, các loại khóa cửa, ống nước, khóa áo quần, cây giống, đồng hồ đo điện kế... Thậm chí có cả những sản phẩm, hàng hóa đắt tiền như: Bếp ga, âm ly, loa thùng, phụ tùng xe honda, ôtô, dịch vụ du lịch, vận tải hành khách... So với cùng mặt hàng nhập khẩu hay các dịch vụ ở một số nước đang phát triển thì những mặt hàng, sản phẩm dịch vụ nêu trên ở nước ta còn kém nhiều. Điều đáng nói là cho đến thời điểm hiện nay, vẫn còn rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chưa quan tâm, trăn trở với việc xây dựng thương hiệu hàng hóa cho riêng mình.

Về luật pháp, hiện nay nhà nước đã ban hành rất nhiều luật, bộ luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thực phẩm và nhất là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010... song tình trạng sản xuất, mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại. Hậu quả của tình trạng nêu trên là người tiêu dùng bị “móc túi”, chịu thiệt thòi. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực này đến với người dân và doanh nghiệp chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình, qua đó ngăn chặn tình trạng mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... thì rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự trở thành động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân phải gương mẫu, nói đi đôi với làm trong việc thể hiện lòng yêu nước, tự hào và tự tôn dân tộc qua việc sử dụng hàng Việt.

Thanh Vũ

  • Từ khóa
14476

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu