Thứ 6, 29/03/2024 04:46:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:34, 25/07/2017 GMT+7

Nguồn lợi từ các khu bảo tồn biển

Thứ 3, 25/07/2017 | 14:34:00 238 lượt xem

BP - Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, hiện nước ta có 16 khu bảo tồn biển (KBTB). Việc quy hoạch các KBTB nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế phát triển bền vững ngành thủy sản. Hình thành các KBTB nhằm khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo, góp phần phát triển kinh tế biển và cải thiện đời sống của bà con ngư dân các địa phương miền biển.

Một góc quang cảnh Cù Lao Chàm (Quảng Nam) - Ảnh internet

Trong 16 KBTB hiện đã có nhiều khu được chính thức phân định ranh giới. Từ năm 2002, 3 khu bảo tồn đã nhận được sự tài trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida). Tháng 5-2011, với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Dịch vụ nghề cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (U.S.FWS) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo tại Hội An (Quảng Nam) về vai trò của các KBTB trong công tác bảo tồn rùa biển và bảo vệ môi trường sống của chúng. Hội thảo tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn rùa biển nói riêng. Tham luận tại hội thảo cho thấy, việc đánh bắt và nguồn tài chính không bền vững là vấn đề lớn nhất mà các KBTB đang phải đối mặt. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, số lượng các loài sinh vật biển ở các KBTB đang tăng trở lại nhờ sự nỗ lực của việc quản lý. Tất cả KBTB đều có kế hoạch quản lý tốt, tiến hành các điều tra cơ bản và thường xuyên có sự giám sát nội bộ.

Theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020, nước ta có 16 KBTB gồm: Đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh); Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng); Hòn Mê (Thanh Hóa); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hải Vân - Sơn Trà (Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng); Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Nam Yết, Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa); Núi Chúa (Ninh Thuận); Phú Quý, Hòn Cau (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Tuy nhiên hiện nay các hệ sinh thái, nơi cư trú tự nhiên của các loại sinh vật biển tiếp tục bị phá hủy nghiêm trọng do hoạt động khai thác của con người. Diện tích rừng ngập mặn, rạn san hô và hệ sinh thái thảm cỏ biển ngày càng thu hẹp. Chất lượng môi trường biển, các vùng ven bờ tiếp tục bị suy giảm. Trước những vấn đề đó, việc tăng cường quản lý môi trường biển cần phải được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Việc xác định và thiết lập các khu bảo tồn trong vùng biển nước ta góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường biển. Các KBTB đã được chuyên gia trong và ngoài nước thừa nhận là một phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân. KBTB góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái cho toàn vùng biển, điều hòa môi trường và nguồn giống thủy sản. Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, việc thiết lập KBTB sẽ làm mật độ sinh vật biển tăng gấp đôi, kích thước của sinh vật và đa dạng sinh học tăng lên 20-30% so với vùng không thuộc KBTB. Trong các KBTB, trữ lượng hải sản tăng lên sau một thời gian (5 năm) và sẽ cung cấp ấu trùng hải sản cho các bãi cá bên ngoài nhờ dòng chảy của đại dương. Việc hình thành KBTB là nền tảng để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo một cách tổng hợp, thống nhất có hiệu quả. Đồng thời KBTB còn có ý nghĩa pháp lý, góp thêm cơ sở, cung cấp các công cụ hành chính, pháp luật trong việc đấu tranh và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đất nước.

Nhận thức về bảo tồn biển đang là vấn đề lớn, không chỉ đối với cộng đồng mà cả với các nhà quản lý. Thực tế cho thấy, không ít cán bộ quản lý ở các tỉnh ven biển vẫn còn mơ hồ với khái niệm KBTB, coi thường tác dụng tích cực của nó. Yêu cầu đặt ra đối với các KBTB nước ta hiện nay là phải có những giải pháp đồng bộ, triển khai nhanh chóng việc giảm thiểu tác động từ mặt trái của sự phát triển kinh tế. Có như vậy mới bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn tài nguyên biển, đảo của đất nước cho các thế hệ mai sau.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111290

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu