Thứ 5, 28/03/2024 17:20:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:34, 15/02/2016 GMT+7

Người vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ 2, 15/02/2016 | 07:34:00 2,575 lượt xem
BP - Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Bình Phước. Không khí xuân đã tràn khắp nẻo từ nông thôn tới thị xã. Những ngày này, thế hệ cha ông ngồi lại bên nhau kể cho con cháu điều tốt đẹp, các câu chuyện về lịch sử truyền thống, vinh quang. Chúng tôi may mắn được nghe câu chuyện của đảng viên 65 năm tuổi đảng Huỳnh Thế Thiện ở xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Ánh mắt lấp lánh của người nghe, cái nhìn xa xăm của người kể như đưa chúng tôi quay về quá khứ của dân tộc.

Một thoáng trầm ngâm đúc rút lại 83 năm cuộc đời, cựu chiến binh Huỳnh Thế Thiện chia sẻ: “Cuộc đời binh nghiệp của tôi có hai bước ngoặt quan trọng. Đó là được Đảng tin yêu giao trọng trách đi học cải cách ruộng đất ở miền Bắc và những tháng ngày chiến đấu ở chiến trường Phước Long. Ở giai đoạn nào, tôi cũng có những kỷ niệm đẹp, sức mạnh niềm tin giúp tôi vượt qua mọi cam go thử thách trong công tác, chiến đấu”.

HAI LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

 Như bao thanh niên khác, năm 1948 - khi 16 tuổi, Huỳnh Thế Thiện, quê ở Trà Vinh theo cách mạng từ bước đệm là thanh niên xung phong. Hai năm sau vào bộ đội địa phương ở Sư đoàn 338 và được chỉ định là người chèo ghe trong trận đánh chiếm tàu Đại Đức năm 1950. Ông cùng đơn vị dũng cảm chiếm được tàu và tịch thu 6 súng lục, tiểu liên của đơn vị bảo vệ tàu. Sau trận này, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 18 tuổi.

Ngày 13-8-1954, ông tập kết ra Bắc với nhiệm vụ học cải cách ruộng đất tại tỉnh Sơn Tây. Hai sư đoàn 330 và 338 lên đường ra Bắc. Ở Sư đoàn 338, ông luôn là học sinh miền Nam có thành tích học tập tiêu biểu, lập trường tư tưởng ổn định. Cũng ở giai đoạn này, ông vinh dự được gặp Bác Hồ.

Ông Thiện cho rằng, mình là người lính khá may mắn khi được gặp, tiếp xúc với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên GiápÔng Thiện cho rằng, mình là người lính khá may mắn khi được gặp, tiếp xúc với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lần đầu gặp Bác là một ngày mưa tầm tã giữa tháng 4-1960, khi Nhà máy phân đạm Hà Bắc khởi công xây dựng và Sư đoàn 338 là đơn vị được chỉ định làm nhiệm vụ xây dựng nhà máy. Ông kể: “Ngày hôm đó trời mưa to lắm, Bác đến mà không ai biết. Thấy xe Bác chạy vào khu làm lễ, Tỉnh ủy Hà Bắc cử người đi căng bạt che mưa nhưng không kịp. Bác nhẹ nhàng bảo: Các chú không cần chuẩn bị, Bác đứng cùng các anh em, bộ đội được rồi. Hôm ấy, trong hơn 2 giờ, Bác giải thích cho chúng tôi rõ thế nào là xây dựng xã hội chủ nghĩa; ý nghĩa, tính chất quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế khi xây dựng Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Rồi Bác quay qua trò chuyện với anh em Sư đoàn 338.

Lần thứ hai, anh bộ đội Huỳnh Thế Thiện gặp Bác Hồ vào năm 1961. Bác yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương mời 6 học viên xuất sắc của miền Nam ra Bắc học dự lễ mít tinh nhân Ngày quốc tế lao động 1-5. Khác với lần đầu chỉ được nhìn Bác ở phía xa, lần này ông vinh dự ngồi cùng hàng ghế với Bác. Ông Thiện cho biết: Trong 6 người thì tôi may mắn hơn cả, giữa tôi và Bác chỉ cách nhau hai ông chuyên gia người Liên Xô và Trung Quốc. Buổi lễ diễn ra khoảng 45 phút, tôi quan sát Bác rõ hơn, được nghe Bác ôn lại lịch sử Ngày quốc tế lao động; tình hình đất nước...

Ấm áp lạ thường, cảm giác thân thương, gần gũi là cảm xúc của ông Thiện sau hai lần gặp Bác. Ông cho hay: “Tôi được nhìn thấy Bác bằng xương, bằng thịt. Dù chưa một lần được trò chuyện trực tiếp cùng Người nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự nồng ấm từ người cha già của dân tộc. Hình ảnh Bác đứng dưới mưa, ân cần trò chuyện cùng anh em; cách Bác nói chuyện dứt khoát, linh hoạt với các chuyên gia nước ngoài, tôi không bao giờ quên”.

TƯỚNG GIÁP LÀ CHỈ HUY CỦA TÔI

Có thành tích học tập tốt, tư tưởng, thái độ chính trị rõ ràng nên một thời gian sau ông Thiện được cử đi học pháo binh. Ông Thiện cho biết: Thời điểm ấy, pháo binh có trung đoàn pháo binh do sư đoàn chỉ huy và Bộ tư lệnh pháo binh (F351) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Bộ tư lệnh pháo binh có 4 sư đoàn, trong đó có Sư đoàn 368 (Sư đoàn Nam bộ) gồm những người lính miền Trung và miền Nam.

Ông Thiện kể: Tướng Giáp rất thương và quan tâm đến anh em ở Sư đoàn Nam bộ. Đại tướng thường đến nói chuyện rất thân mật với cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi học 3 loại pháo 105,120 và 85 nòng dài. Đại tướng phân tích chiến tranh, các thủ đoạn và âm mưu của đế quốc Mỹ cho bộ đội nghe... Trong một lần đến thăm Sư đoàn Nam bộ, Đại tướng nói: “Ngô Đình Diệm đã phản Hiệp định Giơnevơ, không tổng tuyển cử dẫn đến một số bất lợi cho chúng ta. Vì thế, chú nào chưa có vợ ở miền Nam thì có quyền tìm hiểu và xây dựng gia đình ở miền Bắc, ai có rồi thì thôi. Mẹ miền Nam cũng như mẹ miền Bắc, rất thương bộ đội, anh em chiến sĩ. Các chú vừa xây dựng lực lượng giải phóng vừa xây dựng tình cảm dân quân gắn bó cũng là điều hay, hợp lý”.

Qua lần gặp gỡ ấy, ông Thiện và nhiều chiến sĩ khác vẫn truyền tai nhau rằng, không chỉ là người chỉ huy giỏi, đại tướng còn là người anh, người lãnh đạo rất hiểu tâm tư tình cảm của những người con Nam bộ đang tập kết học tập, lao động ở miền Bắc.

GƯƠNG SÁNG LÍNH CỤ HỒ

Ba năm sau khi học cải cách ruộng đất, học pháo binh, ông Thiện được giao nhiệm vụ về lại miền Nam ruột thịt. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy quân đội rất quan tâm đến lớp cán bộ này. Ngày 1-6-1961, trên 360 anh em chia làm nhiều đoàn bắt đầu Nam tiến. Những đoàn mang tên Hải Yến, Ông Cụ... được đặt ra với từng vị trí đến khác nhau. Ông được biên chế về đoàn Ông Cụ - là đoàn đi xa nhất, về tới R (tức Trung ương Cục miền Nam). Sau 3 tháng ròng rã băng rừng, lội suối, đầu tháng 9-1961, đoàn của ông đã về đến R. Ngày mới về R là những ngày đối diện với cái đói, bệnh sốt rét ác tính... Nắm cơm thiu như mẻ được chia đều cho anh em mà ăn vẫn thấy ngon vô cùng. Tháng 10-1961, ông được Bộ Tư lệnh đưa về Phước Long để tham gia thành lập K10 (ban đầu gồm các tỉnh: Phước Long, Lâm Đồng, Quảng Đức thành lập vào cuối năm 1961). Sau đó, ông tham gia ở chiến trường Phước Long với vai trò chính trị viên. Phước Long giải phóng, ông lại tình nguyện đi chiến trường Campuchia đến năm 1983 mới quay trở về giữ chức Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Ninh đến lúc nghỉ hưu.

Giờ đây, ông vẫn giữ nếp sống giản dị. Trong căn nhà ván ép nhỏ, nằm cheo leo trên một ngọn đồi ở xã biên giới Thiện Hưng. Những tấm bằng, giấy khen, huy hiệu được ông treo giữ cẩn thận ở vị trí trang trọng. Hằng ngày, với tấm áo lính, ông vẫn ra vườn chăm cá, cắt tỉa cây như một thú vui của tuổi già. Mùa xuân thứ 84 của ông lại về. “Trong suốt cuộc đời này, Bác Hồ và tướng Giáp luôn là tấm gương sáng ngời để tôi noi theo học tập, phấn đấu và rèn luyện” - ông Thiện chia sẻ với chúng tôi.

Thanh Nga

  • Từ khóa
14976

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu