Thứ 6, 19/04/2024 18:39:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:31, 27/08/2016 GMT+7

Người trồng măng tây “gồng mình” vượt khó

Thứ 7, 27/08/2016 | 07:31:00 3,081 lượt xem
BP - Vài năm trở lại đây, nông dân ở một số huyện, thị xã như Phước Long, Chơn Thành... không mặn mà với cây măng tây xanh (măng tây) mà chuyển sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp khiến diện tích măng tây trong tỉnh giảm mạnh. Người trồng thờ ơ với loại cây này không chỉ vì nhu cầu tiêu thụ và giá thu mua thấp mà còn do măng tây khó trồng, dễ nhiễm bệnh.

NỢ TIỀN TỶ VÌ TRỒNG MĂNG TÂY

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Chí Cương (41 tuổi) ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (Phước Long). Sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi học xong lớp 12 và bươn chải nhiều nghề, năm 2011, anh tới Bình Phước mua 2,1 ha đất trồng điều. Sau thời gian đi tham quan thực tế và nhận thấy giá trị của cây măng tây, anh đã chặt 1 ha điều và đầu tư 1,2 tỷ đồng trồng măng tây.

Anh cho biết: “Khoảng 4-6 tháng sau khi trồng, măng tây cho thu hoạch và có thể thu hoạch từ 200-240 ngày/năm. Cây măng tây có vòng đời từ 6-8 năm và có thể kéo dài 10-15 năm nếu được chăm sóc tốt. Từ năm thứ hai trở đi, măng tây cho năng suất ổn định khoảng 20 tấn/ha/năm và tăng dần đến 40-50 tấn/ha/năm vào năm thứ 8-10. Với giá bán trung bình khoảng 40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập của người trồng có thể đạt 300-400 triệu đồng/ha/năm. Được mệnh danh là “rau hoàng đế” vì chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch nên măng tây rất hút hàng. Không chỉ ở Bình Phước mà nhiều địa phương trong cả nước, như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai... cũng đang mở rộng diện tích trồng loại cây này”.

Anh Cương vẫn hằng ngày xới đất, làm cỏ cho những luống măng tây không ra đọt mong cây sớm phục hồiAnh Cương vẫn hằng ngày xới đất, làm cỏ cho những luống măng tây không ra đọt mong cây sớm phục hồi

Sau 6 tháng trồng, măng tây mọc đọt rộ lên, đạt sản lượng 80kg/ngày. Liên tục trong 4 tháng thu hoạch, gia đình anh Cương thu hơn 200 triệu đồng. Từ nguồn lợi lớn thu lại mỗi ngày, anh đã đầu tư thêm trên 400 triệu đồng mở rộng diện tích, mua thêm giống về trồng. Trớ trêu thay, thời điểm đó đang là mùa mưa, lượng nước tích trong đất lớn, cây măng tây bị nhiễm bệnh, úng rễ và lượng đọt ra giảm mạnh. Hậu quả là mỗi ngày anh thu nhiều lắm cũng chỉ được 1kg.

Thua thiệt từ măng tây, năm 2013, anh chuyển sang làm điều, rồi trồng ớt để trang trải cuộc sống và tính dẹp bỏ hết diện tích măng tây. Tuy vậy, anh vẫn đau đáu về giấc mơ làm giàu từ măng tây nên đầu tư hơn 1 tỷ đồng dựng 5.000m2 nhà lưới, nhập giống măng tây Hà Lan kháng bệnh về trồng. Nhưng từ đó đến nay, dù được chăm sóc trong môi trường đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước và ánh sáng nhưng vườn măng tây của anh vẫn ra rất ít đọt. Nhiều cây bị vàng lá, úng gốc và chậm lớn. “Trong 5 năm, tôi đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng trồng măng tây nhưng chỉ thu được hơn 300 triệu đồng. Số tiền này chẳng đủ bù chi phí mua giống và thuốc kháng bệnh. Dù hằng ngày vẫn trồng cà, ớt để kiếm sống, nhưng cứ nhìn vườn măng tây được đầu tư tiền tỷ không mang lại hiệu quả, tôi xót lắm” - anh Cương cay đắng nói.

Theo khảo sát thực tế của chúng tôi, không chỉ ở TX. Phước Long, hiện nay tình trạng người dân chặt bỏ măng tây, chuyển sang trồng các loại cây khác đang diễn ra tại một số huyện trong tỉnh, như Chơn Thành, Lộc Ninh và Hớn Quản.

NGÀNH NÔNG NGHIỆP CẦN CÓ ĐỊNH HƯỚNG VỀ MĂNG TÂY

Được hỏi hiện tượng măng tây không ra đọt có liên quan đến chất lượng nguồn giống hay không, anh Cường cho hay: “Tôi mua giống của Công ty TNHH măng tây xanh Việt Hoa Mỹ (Công ty Việt Hoa Mỹ) tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi mua giống, tôi được công ty cung cấp tài liệu hướng dẫn cách trồng và một số nhân viên đến tận vườn thực nghiệm, hướng dẫn cách thu hoạch khi cây mới ra đọt. Nhưng từ khi cây bị bệnh và ra ít đọt, tôi không thấy nhân viên công ty đến nữa. Có vài lần tôi gọi điện thoại yêu cầu công ty hỗ trợ kỹ thuật nhưng đều không được giúp đỡ”.

Thông qua số điện thoại anh Cương còn lưu giữ, chúng tôi gọi điện thoại liên hệ nhân viên tên Triều của Công ty Việt Hoa Mỹ, nhưng được thông báo thuê bao đã ngừng hoạt động. Tiếp tục tra tìm và liên hệ với số điện thoại của công ty, chúng tôi bất ngờ được biết doanh nghiệp này đã giải thể từ năm 2015. Như vậy, Công ty Việt Hoa Mỹ đã đẩy những khách hàng như anh Cương vào “chân tường”.

Ông Lê Trung Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tín cho rằng, thực tế người dân tự mua và trồng các giống cây là chuyện không mới nên khi thiệt hại xảy ra, người dân phải tự gánh chịu. Việc mua, bán giống của người dân là quan hệ trực tiếp với doanh nghiệp nên chính quyền và Hội Nông dân xã dù có muốn cũng không có quyền can thiệp, giúp đỡ.

Măng tây cũng như các loại cây trồng khác được nông dân gieo trồng khi nhận thấy lợi ích kinh tế. Qua đó, rất mong các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người dân về định hướng phát triển sản xuất. Bởi nếu cứ để nông dân tự “bơi”, họ rất dễ lạc hướng. Do đó, điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, còn câu chuyện phát triển nền nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung cũng không biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Thế Tường

  • Từ khóa
39650

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu